2 điều khiến sĩ tử dễ bị “lạc đề” khi làm bài thi nghị luận văn học
Thi THPT quốc gia 2019: Mã hóa toàn bộ bài thi trắc nghiệm của thí sinh, ngăn chặn sửa điểm / Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp thí sinh gian lận kết quả thi
Đó là một trong những chia sẻ về cách ôn tập và phương pháp làm bài môn Ngữ Văn của TS Trịnh Thu Tuyết - Cựu giáo viên giảng dạy Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, hiện đang là giáo viên bộ môn Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo Dục HOCMAI, nhằm giúp học sinh có kế hoạch ôn tập hiệu quả trong giai đoạn nước rút này.
2 điều cần tránh khi phân tích câu hỏi Nghị luận văn học
Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, khi xử lí câu hỏi nghị luận văn học, học sinh cần giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận trước khi triển khai hệ thống ý nghị luận.
Theo mô hình đề tham khảo của Bộ GD - ĐT năm nay, câu nghị luận văn học có thể đi vào phân tích các chi tiết nhỏ của tác phẩm để làm hiện hữu một vấn đề của nội dung tác phẩm, do đó sĩ tử cần tránh hai xu hướng.
Thứ nhất là hoà tan hai/ ba chi tiết được yêu cầu phân tích trong cả hệ thống chi tiết toàn bài, khiến bài luận không thực hiện được yêu cầu của đề.
Thứ hai là cắt rời hai/ ba chi tiết đó, phân tích độc lập, không hề kết nối với hệ thống chi tiết của tác phẩm, khi đó bài làm của các em sẽ không thể phát triển được ý, sự phân tích sẽ rất sơ sài và thậm chí sai lệch với chủ đề tác phẩm.
Để khắc phục hai xu hướng làm bài trên, sĩ tử cần xác định vị trí của chi tiết với một nội dung nào đó của tác phẩm, phân tích chi tiết như hệ quả của hệ thống chi tiết liên quan. Từ đây, bài làm của các em vừa không tách rời, vừa không hoà tan, chi tiết nhỏ sẽ được hiện ra trong tầm vóc lớn góp phần thể hiện một giá trị nội dung nào đó của tác phẩm.
Ví dụ, trong Đề tham khảo THPT QG 2019 môn Ngữ Văn, có yêu cầu phân tích hình ảnh người Vợ Nhặt trong hai lần ăn - cần thấy lần ăn bánh đúc ngoài chợ là chi tiết khắc họa sâu sắc hình ảnh người đàn bà bị sự đói khát huỷ hoại nhân cách một cách thảm hại, đau đớn. Nhưng nếu chỉ phân tích một chi tiết độc lập như vậy, các em không thể triển khai được ý, và không chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa mạch truyện với chi tiết.
Với yêu cầu của đề này, TS Trịnh Thu Tuyết đã gợi ý dàn ý như sau: Tái hiện bối cảnh xuất hiện của người đàn bà - nạn đói 1945 với những chi tiết ấn tượng về hình ảnh người sống/chết, âm thanh, mùi vị, không gian ngập tràn khí.
Hình ảnh người đàn bà trong nạn đói: quần áo, bộ dạng, lời nói, cử chỉ, nét mặt, dáng vẻ, hành động..., tất cả đều cho thấy sự đói khát và thèm khát miếng ăn.
Chi tiết ăn bánh đúc: là hệ quả thê thảm của sự đói khát và thèm khát miếng ăn, bất chấp mọi xấu hổ hay phép tắc... Phần tái hiện hai ý trên ( bối cảnh và hình ảnh người đàn bà trong nạn đói) tránh lan man dàn trải, phân tích tất cả các chi tiết trong hai ý này chỉ nhằm hướng tới làm nền giúp nổi bật chi tiết ăn bánh đúc - sự đói khát thảm hại tới cao độ, sự hạ giá nhân cách đến tận cùng.
Từ đó, rút ra đánh giá cho bài làm: Chi tiết cho thấy thân phận, phẩm giá con người bị chà đạp, huỷ hoại đau đớn vì đói khát. Cho thấy được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm, do đó, sẽ hiện ra qua một chi tiết nhỏ.
Cần có cách nhìn nhận riêng khi xử lý câu hỏi nghị luận xã hội
Đối với câu hỏi nghị luận xã hội, TS Trịnh Thu Tuyết cũng nhấn mạnh rằng, học sinh khi làm bài, nên xác định đúng một nội dung hẹp của vấn đề được yêu cầu nghị luận, tập trung bàn luận duy nhất bình diện ấy.
Tránh sa đà, lan man, tuyệt đối không viết đoạn văn nghị luận xã hội thành bài văn thu nhỏ với sự triển khai hệ thống ý của cả vấn đề nghị luận. Nội dung nghị luận cần viết chân thực, tránh sáo rỗng theo mẫu, luôn thể hiện quan niệm, suy nghĩ độc lập của chính mình.
Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, cả phần đọc hiểu và nghị luận xã hội đều là kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa, chỉ cần dành sự quan tâm nhất định tới những vấn đề của cuộc sống, xã hội xung quanh mình, học sinh sẽ có kiến thức để xử lý vấn đề.
Ngoài ra, các em nên dành thời gian luyện đề theo những cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục thì sẽ rèn luyện nhiều hơn về kĩ năng.
Bên cạnh đó, trong đề thi bất cứ câu hỏi nào cũng có thể đưa ra những yêu cầu trả lời theo hướng mở, đặc biệt là các câu hỏi nghị luận xã hội.
Điều này phù hợp với tính khoa học của bộ môn, khi mỗi vấn đề đều có thể nhìn nhận đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau. Tính chất mở của các câu hỏi cũng thể hiện sự tôn trọng tư duy độc lập sáng tạo của học trò, tạo hứng thú cho các em khi làm bài.
Tuy nhiên, hướng ra đề mở cũng đòi hỏi cao ở tư duy ở học sinh, các em phải thoát li cách học vẹt, học tủ, học văn mẫu, luôn tự tin vào khả năng xác định và giải quyết vấn đề của mình sau khi đã được nghe giảng.
Đồng thời, tiếp nhận những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, làm chủ kiến thức, nắm chắc kĩ năng phương pháp, đưa ra những cách nhìn riêng, chân thực của chính mình và khẳng định nó bằng sự kiến giải thuyết phục nhất.
Chia sẻ thêm về cách giúp các sĩ tử ổn định và vững vàng tâm lý trước kỳ thi, TS Trịnh Thu Tuyết nhắn nhủ với học trò "trong giai đoạn nước rút này, các em phải thực sự bản lĩnh. Bản lĩnh để không bị rối trí, nhiễu loạn bởi các thông tin vô trách nhiệm khi dẫn dắt các trò học tủ, học văn mẫu… Tương lai các trò tuỳ thuộc vào trí tuệ và bản lĩnh của các trò, lúc này. Chúc các em thi tốt!".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo