Cẩn trọng với rủi ro lạm phát
Đà Nẵng: Học sinh nghỉ học do mưa lớn, nhiều đoạn đường ngập sâu / Tạm ngừng lưu thông qua đèo Hải Vân do mưa lớn gây sạt lở
Nhiều khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% của năm nay sẽ đạt được khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng chỉ tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cũng đưa cảnh báo về rủi ro lạm phát cũng có thể xuất hiện trở lại.
Với sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, lạm phát bình quân của nền kinh tế đang được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng cục Thống kê cho biết, một số tín hiệu lạc quan về nền kinh tế đã xuất hiện và điều này đặt ra kỳ vọng về sự phục hồi sẽ tiếp tục để đưa nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới vào cuối năm 2023.
Theo đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 cho thấy, có 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2023 và dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những yếu tố tích cực tạo lực kéo nền kinh tế trong quý III/2023 là sự phục hồi của sức tiêu dùng. Theo đó, trong quý III, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3%.
Tuy nhiên, cùng với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và giá cả một số mặt hàng tăng cao xuất phát từ việc CPI liên tục tăng khá mạnh trong những tháng qua. CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước, tháng 8 tăng 0,88% và tháng 9 tăng tới 1,08%.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, một số địa phương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 9 tăng khá lớn so với diễn biến giá cả thị trường những năm gần đây. Đó cũng là mức tăng cao nhất của các tháng 9 trong 5 năm qua.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra diễn biến chỉ số CPI đang chứa đựng không ít rủi ro. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát các tháng còn lại của năm 2023 là: giá lương thực, thực phẩm đang tăng. Việc tăng 20% lương cơ bản từ ngày 1/7/2023 cũng tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Những tác động này có thể còn lớn hơn trong quý IV/2023, khi vào dịp cuối năm, lễ, Tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa, tiêu dùng dịch vụ tăng cao.
Cùng với đó, dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm...
Số liệu kinh tế 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước cho thấy, chỉ số giá sản xuất của khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,26%,; sản xuất dịch vụ tăng 7,34%; nguyên vật liệu dùng trong sản xuất nông nghiệp tăng 0,44%... có thể khiến giá tiêu dùng tăng trong quý IV/2023 nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Một rủi ro khác là giá dầu trên thị trường thế giới đang tăng cao, hiện giá dầu thô đã tiếp tục đạt đỉnh khi Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng, tác động đến thị trường toàn cầu và giữ giá khí đốt ở gần mức cao kỷ lục hồi mùa Hè.
Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xăng dầu là nhiên liệu quan trọng của nền kinh tế, được dùng trong nhiều ngành sản xuất, đặc biệt trong ngành vận tải, đánh bắt thuỷ sản. Xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí nguyên nhiên vật liệu của nền kinh tế. Xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình.
Theo tính toán, xăng dầu tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu có thể sẽ tăng tới 97 USD/thùng. Vì vậy, tăng giá xăng dầu tạo áp lực khá lớn lên lạm phát thực và lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Cùng với đó, khi giá năng lượng tăng, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Bên cạnh đó, chính sách tăng lãi suất sẽ phát huy hết tác dụng vào cuối năm nay và đầu năm 2024 sẽ tạo áp lực rất lớn đến tỷ giá hối đoái giữa VND và USD.
Đó là chưa kể còn nhiều yếu tố được cho là sẽ tác động đến giá cả thị trường những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Chẳng hạn, giá điện dự kiến tăng là một điểm đáng lưu ý. Vốn đầu tư công được đẩy mạnh và áp lực kiểm soát lạm phát trong nước khi mà kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm tới 93,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế.
Để kiểm soát lạm phát trong 3 tháng còn lại trong năm 2023 chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung-cầu thị trường. Đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và tránh việc tăng cục bộ tại một vài địa phương, từ đó gây gia tăng kỳ vọng lạm phát.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp để hạn chế giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây áp lực cho người chăn nuôi. Bởi, điều này gia tăng khả năng bỏ chuồng, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm.
Xăng dầu là nhiên liệu quan trọng nên cần đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu và cân đối nguồn điện để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu để giữ ổn định giá tránh việc tăng giá xăng dầu quá cao. Đồng thời, hỗ trợ giá cho một số ngành có chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ làm tốt công tác truyền thông để tránh việc tạo ra kỳ vọng lạm phát, đẩy mặt bằng giá tăng lên tại một số thời điểm diễn biến kinh tế thế giới và trong nước bất lợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo