Tin tức - Sự kiện

Chậm điều chỉnh định mức chi phí gây khó cho doanh nghiệp và khan hiếm xăng dầu

DNVN - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, dùng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa hiệu quả, gây khó cho kinh doanh, thiếu nguồn cung tại một số địa phương.

Sớm triển khai cơ chế thử nghiệm để không tụt hậu trong phát triển tài chính, kinh tế / Triển khai sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế

Trong báo cáo giải trình trước khi trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 5/11, một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập và nhấn mạnh là công tác điều hành giá, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa (đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều 5/11.
"Các quy định chúng ta thiết lập trong tình hình bình thường, tới khi tình hình thị trường có bất thường, phản ứng chính sách đã chưa kịp thời. Đáng lý khi tình hình không bình thường phải có biện pháp khác thường, nhưng vẫn dùng biện pháp bình thường. Cái này Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về điều chỉnh định mức chi phí, giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng chi phí kinh doanh xăng dầu nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở khâu bán lẻ. Từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (ngày 11/1/2022) đến kỳ điều hành ngày 1/11/2022 đã có 29 kỳ điều hành giá, trong đó 16 kỳ tăng giá, 1 kỳ giữ nguyên giá và 12 kỳ giảm giá.
Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Sáng cùng ngày, giải trình lý do dẫn đến tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thị trường xăng, dầu rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn nên đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành.
Chiều 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn, trong kỳ điều hành 11/11 này những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật và đây cũng là một tháo gỡ tương đối tốt.
Trước đó, ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin & Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Công điện nêu rõ, vừa qua, tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước...
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm