Tin tức - Sự kiện

Chăm lo, bảo vệ trẻ em - cần thêm nhiều sự trợ giúp

Bên cạnh việc bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách chăm lo cho trẻ em thì cần đổi mới cơ chế xã hội hóa, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia thực hiện các giải pháp chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Đại học Đông Á tặng 300 vé và 2 chuyến xe Tết cho sinh viên khó khăn miền Trung – Tây Nguyên / Dự báo thời tiết ngày 10/1/2024: Đón không khí lạnh, Hà Nội mưa rét

Đó là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra trong Chỉ thị số 28- CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trụ cột an sinh phát triển

Chú thích ảnh
Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Ảnh: TTXVN

Tại Việt Nam nguồn lực chủ chốt trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là từ ngân sách nhà nước, tập trung vào giáo dục và y tế.

Khoản chi cho giáo dục, y tế có xu hướng tăng theo từng năm, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong giai đoạn 2013-2023, chi cho giáo dục trong tổng chi hằng năm đạt 17,8% (năm cao nhất là 19,08%). Cụ thể, mức chi cho giáo dục mầm non chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục, giáo dục tiểu học là 32%, giáo dục trung học cơ sở: 25% và giáo dục trung học phổ thông: 12%. Như vậy, chi thường xuyên từ nguồn ngân sách địa phương cho lĩnh vực giáo dục chủ yếu tập trung cho trẻ em dưới 18 tuổi với tỷ lệ khoảng: 90%.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu yêu cầu: Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách.

Nhờ tập trung nguồn lực lớn cho giáo dục mà nước ta đã đạt được những thành quả ấn tượng: 96,8% người trong độ tuổi đi học biết chữ, tỷ lệ nhập học ở giáo dục mầm non bắt buộc đạt 98,3%, gần mức phổ cập hoàn toàn.

 

Việt Nam đã hoàn thành công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở. Tất cả các xã đều có trường mầm non và tiểu học. Hầu hết các xã hoặc cụm liên xã có trường trung học cơ sở. Toàn bộ các quận, huyện đều có trường trung học phổ thông. Các địa phương cấp tỉnh và huyện có mật độ người dân tộc thiểu số cao đều lập trường dân tộc nội trú và bán trú.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện tại, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non với 19.398 điểm trường; 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông (12.354 trường tiểu học, 10.762 trường trung học cơ sở, 2.441 trường trung học phổ thông). Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục, Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong điều kiện khó khăn ngân sách nhà nước luôn ưu tiên dành nguồn lực đáng kể cho phát triển y tế.

Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025 (bao gồm cả vốn đầu tư trung hạn và vốn chương trình phục hồi) lên tới 38.135 tỷ đồng, chưa kể các khoản chi cho y tế được lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chi thường xuyên cho y tế chiếm 6,81% tổng chi thường xuyên của ngân sách.

Bên cạnh đó là các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế có liên quan tới trẻ em như mua thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi, chương trình tiêm chủng mở rộng, an toàn thực phẩm, dân số và phát triển, phòng chống HIV/AIDS...

 

Chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế đối với trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực, nhờ định hướng chi ngân sách phù hợp cho các chương trình y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người. Nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Trong vòng 22 năm (2020 - 2022) tỷ lệ tử vong ở mẹ giảm từ 165 người/100.000 ca đẻ xuống còn 46 người/100.000 ca đẻ; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và số ca tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰).

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi tiếp tục được duy trì ở mức cao >90%.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta đang giảm dần, từ 29,3% năm 2010 giảm xuống dưới 18,9% vào năm 2022.

 

Cần thêm sự chung sức

Chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là mối quan tâm từ phía Nhà nước được thể hiện qua số chi ngân sách cho giáo dục, y tế, các chương trình quốc gia - vai trò này được ví như cây cột chính của ngôi nhà. Bên cạnh đó là sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tập thể, của toàn xã hội.

Hơn 10 năm trước khi có Chỉ thị số 28- CT/TW (ngày 25/12/2023), ngày 5/11/2012 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Chỉ thị đã khẳng định: “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị-xã hội. Khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình dành cho trẻ em”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau một thời gian thực hiện, việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã có những bước tiến đáng kể. Nhận thức của các gia đình và xã hội về bảo vệ trẻ em ngày càng được nâng cao và có sự tham gia tích cực của người dân. Điều này được thể hiện qua số trẻ em được khai sinh đạt trên 60%, tỷ lệ trẻ em được mua bảo hiểm y tế tăng cao.

Xã hội hóa công tác giáo dục đối với học sinh trong nhà trường được đẩy mạnh. Chương trình học được đổi mới, các chương trình ngoại khóa lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em như giáo dục kỹ năng sống, phòng HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

 

Các nhà quản lý, cộng đồng và bản thân trẻ em nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tham gia tích cực vào công tác này, trong đó có sự tham gia của các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

Để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, theo Thạc sỹ Phạm Thị Hải Hà (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cần làm rõ vai trò của Nhà nước và trách nhiệm của xã hội.

Nhà nước có nhiệm vụ xác lập khung khổ pháp lý về bảo vệ trẻ em nói chung và việc xã hội hóa công tác bảo vệ trẻ em nói riêng; thể chế hóa quyền và trách nhiệm tham gia cung ứng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội cũng như quyền được thụ hưởng các dịch vụ đó của mỗi người dân.

Mặc dù xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân, nhưng nguồn đầu tư của nhà nước vẫn là chủ yếu nhất, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, ở cấp cơ sở - nơi mà các nhà đầu tư tư nhân khó tìm kiếm lợi ích, lợi nhuận; nơi người nghèo không đủ sức.

Mặt khác, Nhà nước tạo lập cơ chế, chính sách đào tạo công chức, tình nguyện viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em; là trung tâm huy động xã hội hóa; tạo lập môi trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cung cấp các sản phẩm danh cho trẻ em. Cùng với đó, Nhà nước thực hiện tốt vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luật pháp.

 

Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam là mô hình hiệu quả trong việc xã hội hóa công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được thành lập từ năm 1992, được quốc tế công nhận.

Trong năm 2023 Quỹ đã vận động được khoảng 111,56 tỷ đồng từ việc xã hội hóa việc chăm sóc trẻ em. Quỹ đã hỗ trợ 113.833 lượt trẻ em với kinh phí gần 89,7 tỷ đồng trong các hoạt động: phẫu thuật nụ cười, hỗ trợ xe đạp, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ sữa…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm