Chi trả gói 62.000 tỷ đồng: Phát hiện chi thiếu, giả nghèo, vận động không nhận tiền
Lê Phong chính thức phát triển dòng căn hộ đẳng cấp tại Bình Dương / Chưa học xong lớp 12, nhiều đại học tuyển sinh sớm bằng học bạ
Qua kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát hiện và xử lý một số vụ việc sai phạm trong việc thực hiện chi trả chính sách từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Bên cạnh đó, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan. Trong đó, Ban Thường vụ huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự Đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã.
Tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho 6 người nghèo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh địa phương rút kinh nghiệm và đã chỉ đạo địa phương chi bổ sung ngay cho đối tượng.
Ngoài ra, một số địa phương triển khai chậm, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chậm trễ trong chỉ đạo, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát… Một số địa phương như Bình Định, Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa… gặp khó khăn, thiếu kinh phí.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, cá biệt có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ; sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo. Tuy nhiên, các sự việc đã được phát hiện, ngăn chặn; các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc.
Đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ của người dân tại tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Báo Người Lao động)
Bên cạnh những hạn chế nêu trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội biểu dương một số địa phương có cách làm sáng tạo; rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách trong quá trình triển khai, như tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Định xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu và lọc đối tượng tránh trùng lặp, phê duyệt danh sách theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố khi đủ điều kiện.
Một số địa phương xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn. Điển hình, 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; 2 người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; 1 hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội…
Trên cơ sở tổng hợp tình hình tại các địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương; quyết liệt triển khai hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Bộ Tài chính cấp ứng kinh phí kịp thời cho các địa phương thực hiện; UBND các tỉnh, thành phố hoàn thành việc chi trả; giám sát, phản biện xã hội triệt để, thực chất, toàn diện việc thực hiện chính sách; xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách…
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã được chi trả như thế nào?
Theo đó, tính đến ngày 20/5/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt trên 11,8 triệu người; người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh gần 4 triệu người. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tính đến thời điểm ngày 20/5/2020 đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, về nhóm đối tượng chính sách được hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ trực tiếp đến được trên 6,7 triệu đối tượng với số tiền thực hiện khoảng 7.126 tỷ đồng, đạt 59% số đối tượng được phê duyệt. Trong đó, 34 tỉnh, thành phố cơ bản chi trả xong; 15 tỉnh, thành phố đang triển khai chi trả cho các đối tượng đạt từ 10 - 75% số đối tượng được duyệt; 13 địa phương ở mức dưới 10% số đối tượng được duyệt.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt danh sách và chi trả cho 1.202 người lao động, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh với số tiền 1,417 tỷ đồng. Về hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động, 9 địa phương, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, đã chi hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động cho 50.335 người, với tổng kinh phí chi trả 45,253 tỷ đồng.
Với các đối tượng mở rộng so với Nghị quyết 42, Quyết định 15, theo báo cáo sơ bộ, 6 địa phương, bao gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng đã hỗ trợ thêm 17.800 người với kinh phí thực hiện khoảng 19,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện đã có trên 1.010 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với gần 94.100 lao động, kinh phí khoảng trên 360 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2020 đến hết 20/5/2020, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 192.000 người, tương ứng với gần 2.000 tỷ đồng tính theo lũy kế chi trả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại