Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch TP Đà Nẵng chia sẻ về biện pháp quản lý tắm biển, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân

DNVN - Trả lời phỏng vấn riêng Doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP đã trao đổi về việc kiểm soát các lái xe đến từ vùng dịch để ngăn chặn nguy cơ lây lan, về quản lý hoạt động tắm biển trên địa bàn, kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng đề nghị sớm hiệu chỉnh các lỗi ứng dụng Bản đồ An toàn Covid-19

Bài 1: Chủ tịch TP Đà Nẵng: Quyết định nới lỏng giãn cách căn cứ vào nguy cơ lây lan và khả năng kiểm soát dịch bệnh

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.

Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, khi cho phép một số hoạt động được trở lại kể từ 0h ngày 9/6/2021 theo Công văn 3522/UBND-KGVX ngày 8/6 của UBND TP Đà Nẵng (và đến ngày 20/6 thì có nhiều hoạt động như tắm biển, phục vụ ăn uống tại chỗ bị cấm trở lại như đã nêu), Đà Nẵng đã thực hiện quy trình kiểm soát phòng chống dịch theo kiểu “lộn ngược”. Đó là lẽ ra phải "siết ngoài, mở trong" thì TP lại "lỏng ngoài, siết trong".

Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng các quy định mỗi ngày chỉ được tắm biển trong 2 khung giờ (từ 4h30 đến không quá 7h30 và từ 16h30 đến không quá 18h30), hay các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phục vụ tại chỗ không quá 21h hàng ngày… là không hợp lý. Chẳng có cơ sở khoa học nào để nói rằng nếu tắm biển, hay phục vụ khách ăn uống tại chỗ ngoài các khung giờ nêu trên thì có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn các khung giờ khác...

Thế nhưng do quy định nêu trên, TP Đà Nẵng đã phải tốn lực lượng canh giữ bãi biển suốt ngày đêm; phường nào phường nấy kéo cả đoàn đi dẹp, quay phim chụp ảnh, xử phạt các nhà hàng bán quá 9h tối... khiến nhiều người không khỏi bất bình và gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đóng góp chung cho nền kinh tế.

Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm soát phòng chống dịch ở vòng ngoài thì lại lỏng lẻo. Các xe tải chở vải từ Bắc Giang, chở nhựa từ TP.HCM đi vào tới tận trung tâm TP Đà Nẵng buôn bán, giao hàng ở nhiều nơi nhưng không ai hay biết. Một tài xế chở hàng từ TP.HCM ra cho Công ty nhựa Duy Tân đã làm Đà Nẵng phát sinh hơn 80 ca mắc COVID-19. Một tài xế xe chở vải từ Bắc Giang cũng dương tính nhưng may mắn chưa lây nhiễm thứ phát tại Đà Nẵng.

Trước các ý kiến như tôi vừa nêu, xin Chủ tịch cho biết quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng đối với những phản ánh nêu trên?

Chủ tịch Lê Trung Chinh: TP Đà Nẵng đã ban hành quy định, thiết lập các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ ra vào TP, sân bay, nhà ga, bến cảng để kịp thời phát hiện, cách ly tập trung đối với trường hợp từng đến, trở về từ các địa phương có dịch, khu vực ổ dịch, phong tỏa, địa phương áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp xe tải chở vải từ Bắc Giang vào TP Đà Nẵng đến từ xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Xã này không có ca bệnh trong vòng 1 tháng gần đây, không áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, tài xế (bệnh nhân COVID-19) sử dụng xe biển kiểm soát mã vùng 28 của tỉnh Hòa Bình (là địa phương thời điểm đó chưa ghi nhận ca mắc tại cộng đồng và 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

Về trường hợp tài xế chở hàng từ TP.HCM ra cho Công ty nhựa Duy Tân, Thường trực Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định.

Từ ngày 29/5, Đà Nẵng đã thiết lập 15 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào TP. Để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Đà Nẵng đã có quy định lái xe đến từ vùng dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính, khi vào TP thì cam kết không được phép xuống xe, trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm thì chỉ được phép giao hàng, bốc dỡ hàng hóa ngay tại chốt cửa ô.

Qua sự việc tài xế chở hàng từ TP.HCM ra Công ty nhựa Duy Tân, TP Đà Nẵng đã ban hành thêm các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với lái xe đến từ vùng dịch, ngoài các quy định nêu trên, yêu cầu rời khỏi TP Đà Nẵng trong vòng 12 giờ, khi vào TP Đà Nẵng phải có thẻ kiểm soát dịch.

Trong khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, việc nới lỏng các hoạt động đi kèm với các biện pháp kiểm soát là một điều khá bất tiện so với cuộc sống bình thường trước đây. Ví dụ, như việc tắm biển, với không gian rộng, lượng người tập trung cao sẽ rất khó khăn để xác định người tiếp xúc gần, do vậy sẽ rất khó khăn trong việc điều tra, truy vết, xác định để cách ly, xét nghiệm trong trường hợp phát hiện ca bệnh.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, trên cơ sở ý kiến các cơ quan chức năng sẽ đưa ra các quyết định phù hợp với thực tế, ít tạo sự xáo trộn đối với thói quen sinh hoạt của người dân TP, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo cao nhất không để xảy ra nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh. Do vậy, TP rất mong nhận được sự chia sẻ, hợp tác, trách nhiệm của người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Hiện TP.HCM, Đồng Nai đã bắt đầu thí điểm việc cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tỉnh Quảng Ninh mở cửa trở lại du lịch nội tỉnh, thí điểm thí điểm cách ly 7 ngày đối với người nhập cảnh có kháng thể SARS-CoV-2…

Trong bối cảnh đó, TP Đà Nẵng có định hướng chiến lược mới như thế nào để đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn chặt chẽ nhưng không cực đoan? Và việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát để đảm bảo mục tiêu kép, ổn định đời sống xã hội, sớm lấy lại trạng thái bình thường mới trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?

Chủ tịch Lê Trung Chinh: TP Đà Nẵng đang theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương mới của Chính phủ và Bộ Y tế tại các địa phương. Trên cơ sở kết quả thí điểm tại TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Kiên Giang về việc cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian cách ly, tăng số lần xét nghiệm đối với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine, có kháng thể kháng SARS-CoV-2, TP Đà Nẵng sẽ quyết định các biện pháp cách ly F1 và tiếp nhận người nhập cảnh phù hợp tại địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đang hết sức quan tâm, trông chờ được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Xin ông cho biết chính quyền TP Đà Nẵng đã có kế hoạch như thế nào để chủ động đáp ứng nhu cầu này của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hay chỉ trông chờ vào sự phân bổ nguồn vaccine từ Trung ương?

Chủ tịch Lê Trung Chinh: Vaccine phòng COVID-19 là loại hàng hóa đặc biệt, trong đó tính an toàn và hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang có tình trạng vaccine giả, vaccine kém chất lượng và khan hiếm vaccine nên Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác này.

Việc Bộ Y tế thường xuyên đăng tải thông tin về chiến lược mua và tiếp nhận hàng chục triệu liều vaccine, về việc phân bổ vaccine trong thời gian qua thể hiện tính công khai, minh bạch đối với mối quan tâm của toàn thể nhân dân.

Để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của nhân dân, TP Đà Nẵng vẫn luôn theo dõi sát các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế để tiếp cận những nguồn vaccine an toàn, hiệu quả để mua, tiếp nhận đúng quy định, cung cấp kịp thời đến toàn thể nhân dân.

Trân trọng cám ơn ông!

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm