Chủ tịch TP Đà Nẵng: Quyết định nới lỏng giãn cách căn cứ vào nguy cơ lây lan và khả năng kiểm soát dịch bệnh
Đà Nẵng đề nghị sớm hiệu chỉnh các lỗi ứng dụng Bản đồ An toàn Covid-19 / Đà Nẵng: Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo
Mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Doanh nghiệp Việt Nam ngày 7/7, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng đã chia sẻ về việc quyết định các biện pháp hành chính, xã hội nhằm kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, cũng như các giải pháp để Đà Nẵng đạt được kết quả khả quan về tăng trưởng kinh tế vào cuối năm 2021.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng.
Chủ tịch Lê Trung Chinh: Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là khu vực TP.HCM và các tỉnh Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, việc giám sát người, phương tiện ra vào TP, mặc dù các ngành đã nỗ lực nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, nhất là về giám sát lịch trình một cách thống nhất trong cả nước, vẫn còn nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép, nhất là đường mòn, lối mở… Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào TP Đà Nẵng.
Mọi biện pháp hành chính, xã hội để kiểm soát và phòng, chống dịch đều với mục đích vì sự an toàn, bình yên và sức khỏe của người dân, trong bối cảnh chúng ta chưa có đủ điều kiện để sẵn sàng một hệ thống điều trị toàn diện nhất. Dữ liệu về virus gây bệnh COVID-19 hiện nay vẫn chưa thật sự đầy đủ, nhất là đối với những biến chủng virus có tốc độ lây lan nhanh, do vậy các biện pháp hành chính, xã hội để hạn chế sự tiếp xúc, di chuyển nhằm hạn chế sự lây lan là cần thiết.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng tổ chức các cuộc họp giao ban hằng ngày để theo dõi sát tình hình, thảo luận, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn và các ngành chức năng nhằm đánh giá nguy cơ để đưa ra các biện pháp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân, vừa tạo điều kiện khôi phục kinh tế xã hội vừa đảm bảo các điều kiện an toàn, sức khỏe, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan.
Do vậy, việc quyết định các biện pháp quản lý hành chính sẽ không căn cứ vào số ngày phát hiện ra ca cộng đồng, mà căn cứ vào nguy cơ lây lan cũng như khả năng kiểm soát dịch bệnh của TP.
Thực tế đã có nhiều cơ sở dịch vụ có bề dày hàng chục năm ở Đà Nẵng phải đóng cửa vì dịch COVID-19.Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, lĩnh vực du lịch với tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,34%, tỷ trọng đóng góp lên đến 85,4%, cao hơn hẳn các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nông lâm thủy sản. Dịch vụ du lịch là bệ đỡ chính cho nền kinh tế TP thoát khỏi tăng trưởng âm của năm 2020 và đạt mức tăng dương 4,99% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Song thời gian qua các dịch vụ của Đà Nẵng luôn trong tình trạng bị bật - tắt bất kỳ lúc nào theo mỗi lần phát sinh ca dương tính trong cộng đồng. Có những đợt vừa mở cửa trở lại mấy ngày thì lại nhận lệnh đóng cửa.Cứ với tình trạng này, làm sao khu vực dịch vụ có thể tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ chính cho nền kinh tế TP Đà Nẵng, thưa ông?
Chủ tịch Lê Trung Chinh: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây những tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế của cả nước, trong đó có Đà Nẵng, thì TP đã chú trọng các giải pháp vừa phục hồi và vừa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cân đối phù hợp tỷ trọng của hai khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng trong nền kinh tế.
Ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2021 của Đà Nẵng tăng gần 5,0% so với cùng kỳ năm 2020; tăng nhẹ (1,05%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm trên 60% trong cơ cấu GRDP, sự phục hồi của khu vực này tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ chính của nền kinh tế (tăng khoảng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020). Cùng với đó là khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đang dần lấy lại đà tăng trưởng, tăng khoảng 2,85% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng với ngành du lịch đang rất khó khăn, Đà Nẵng vẫn xác định mục tiêu xây dựng TP thành trung tâm du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực. Do đó vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, các cơ sở, xây dựng sản phẩm du lịch mới... để tạo điều kiện đón đầu, đưa vào khai thác, phục vụ kịp thời hoạt động du lịch khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Tất nhiên trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, TP Đà Nẵng chưa chủ động được nguồn vaccine phòng COVID-19 nên nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2021 hết sức khó khăn. Để có thể hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021, TP Đà Nẵng đã đặt ra một số giải pháp cụ thể như: Tập trung chỉ đạo quyết liệt kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh COVID-19. Tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng khôi phục hoạt động du lịch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2022 khi kiểm soát được dịch bệnh, và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai các khu CNTT, công viên phần mềm. Ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ các tập đoàn lớn, uy tín (FPT, Viettel, VNPT, CMC, LG...) triển khai các dự án, khu công nghệ thông tin trên địa bàn. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án “Thành phố thông minh”, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, xem đây là khâu đột phá trong xây dựng chính quyền tiên phong, đổi mới.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021. Thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường... Giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn TP, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm.
Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, an toàn giao thông và trật tự xã hội, trong đó tập trung giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động sau dịch COVID-19.
Với những giải pháp cụ thể, khả thi cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các đơn vị, doanh nghiệp và người dân TP Đà Nẵng, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được kết quả khả quan vào cuối năm 2021.
Chỉ sau 7 ngày không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng và chỉ mới có 97/106 điểm phong toả đã được gỡ bỏ nhưng TP Hà Nội đã chủ động nới lỏng, cho phép mở cửa lại một số dịch vụ từ 0h ngày 22/6 với tinh thần "kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan". Và dù mới nới lỏng được 1 ngày, thì lại có 3 ca mắc trong cộng đồng nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục kiên định thực hiện lộ trình nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Trong khi đó, với đợt dịch thứ 4 này, Đà Nẵng từng trải qua 31 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, không còn khu vực nào trên địa bàn bị phong tỏa nhưng chính quyền TP vẫn không tiếp tục nới lỏng thêm các biện pháp kiểm soát dịch. Đến khi bùng lên chuỗi lây nhiễm liên quan Công ty nhựa Duy Tân, khiến từ 12h ngày 20/6 TP Đà Nẵng lại cấm một số hoạt động như tắm biển, phục vụ khách ăn uống tại chỗ mới vừa cho phép trở lại trước đó mấy ngày. Tại sao lại có sự khác biệt trong áp dụng biện pháp chống dịch giữa TP Đà Nẵng với TP Hà Nội như vậy, thưa ông?
Chủ tịch Lê Trung Chinh: Như trên tôi đã nói, việc quyết định nới lỏng một số hoạt động đi kèm theo các điều kiện để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện và lây lan tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương.
Trên cơ sở đánh giá nguy cơ của các ngành chức năng, TP Đà Nẵng quyết định áp dụng các biện pháp hành chính, xã hội phù hợp với tình hình để đảm bảo an toàn, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân. Hiện nay các sở, ban, ngành, địa phương đã có sự chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch được triển khai hết sức nhanh chóng, việc kiểm soát vòng ngoài tại các chốt đi vào ổn định, chặt chẽ, góp phần kiểm soát các nguy cơ về dịch COVID-19.
Do đó, TP Đà Nẵng sẽ xem xét nới lỏng các hoạt động, trong đó các dịch vụ, hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu sẽ được mở trước và đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo