Chuyên gia đề xuất giải pháp "gỡ nút thắt" trong hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi COVID-19
Quảng Bình: Hỗ trợ kinh phí cho 75 người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 / Long An: Triển khai một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Còn nhiều điểm nghẽn trong hỗ trợ
Lần bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư này giống như một đòn phủ đầu gây thiệt hại lớn lên nền kinh tế của nước ta. Chính phủ đã có những quyết sách quyết liệt, đúng đắn để hạn chế sự lây lan bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, do dịch diễn biến khó lường nên đã phát sinh khá nhiều những điểm nghẽn, những bất cập trong thực tiễn. Điều này rất cần các cơ quan chức năng có phương án xử lý kịp thời để bảo đảm mục tiêu kép như Chính phủ đề ra.
Mới đây, nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố Báo cáo “Một số vấn đề và kiến nghị liên quan tới lao động và an sinh xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19” do PGS.TS Giang Thanh Long làm chủ nhiệm đề tài.
Theo các chuyên gia tham gia nghiên cứu đề tài, việc thực thi các chính sách an sinh xã hội cho người lao động còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và niềm tin của nhân dân. Nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc… vì dịch bệnh. Nhưng do bị phong tỏa, cách ly nên họ không thể tới doanh nghiệp thực hiện việc ký kết cũng như hoàn thành các minh chứng cho hoàn cảnh (như mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi…) qua công chứng hoặc chính quyền sở tại theo quy định tại điều 15 của Quyết định 23… Vì thế họ không được hưởng chế độ kịp thời.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, nhiều lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng BHXH. Nên khi bị hoãn hợp đồng lao động hay nghỉ việc không lương, họ không được coi là đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Nhiều lao động không ký kết hợp đồng lao động và không tham gia BHXH (hay còn gọi là lao động phi chính thức, tự do) đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh/thành phố thực hiện Chỉ thị 16/16+ nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay.
Báo cáo dẫn số liệu Điều tra lao động- việc làm quý II/2021 của Tổng cục Thống kê, có tới 57,4% lao động có việc làm phi chính thức (20,9 triệu người). Những diễn biến khó lường của đại dịch đã làm mất cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động và đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức. Đặc biệt, khoảng 25-30% lao động ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương và khoảng 50% lao động ở Đồng Tháp, Bến Tre… là lao động phi chính thức.
Theo vùng kinh tế - xã hội, vùng có số lượng người di cư đến nhiều nhất là Đông Nam Bộ. Hiện vùng này chiếm gần một nửa trong tổng số người di cư 15 tuổi trở lên (47,8%), trong đó, riêng TP Hồ Chí Minh có gần 280.000 người (chiếm 32% tổng số người di cư) và phần lớn đều là lao động phi chính thức. Mất sinh kế và không được trợ giúp kịp thời về điều kiện sống tối thiểu sẽ gây nguy cơ lớn trong việc không thực hiện giãn cách xã hội, mang lại những bất ổn tiềm ẩn về xã hội.
Nhiều người lao động mắc bệnh COVID-19 phải nghỉ làm việc và tự cách ly sau khi có kết quả âm tính. Thời gian điều trị và nghỉ cách ly chính là thời gian nghỉ ốm. Tuy nhiên, không phải tất cả lao động tham gia BHXH đều được chi trả trợ cấp mất giảm thu nhập do ốm đau trong trường hợp này. Trong đó có nguyên nhân là do họ không thể hoàn thiện hồ sơ liên quan khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Theo PGS.TS Giang Thanh Long, việc xác định đối tượng ở thời điểm này không còn quan trọng nữa, quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Trưởng nhóm Nghiên cứu đề tài này cho biết: Hiện nhóm lao động phi chính thức (lao động tự do, không được đóng BHXH) chiếm một tỷ lệ khá cao. Đặc biệt trong thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, những đối tượng này rất khó kiếm việc làm. Nguồn sinh kế của họ gần như là bị mất 100% mà không có sự thay thế.
Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên hỗ trợ cho những đối tượng này. Tuy nhiên công tác rà soát và xác định gia cảnh hiện vẫn đang được làm theo cách truyền thống, khá tốn kém và lãng phí thời gian mà kết quả lại chưa đạt được như kỳ vọng.
Việc xác định gia cảnh để trợ cấp như hiện nay chỉ phù hợp với thời điểm không có dịch bệnh. Còn ở thời điểm này, trong khi nhiều tỉnh đã giãn cách xã hội thời gian quá lâu, thì cần phải đẩy nhanh việc xác định đối tượng và hỗ trợ cho những đối tượng này nhanh chóng và kịp thời nhất.
Song song với đó, chính quyền địa phương cũng cần hết sức chủ động, sâu sát tìm kiếm các đối tượng đang gặp khó khăn trên địa bàn, khu phố để cập nhật danh sách và hỗ trợ. "Việc xác định đối tượng ở thời điểm này không còn quan trọng nữa, quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời. Ai ở đâu không cần biết cứ khó khăn là sẽ nhận được hỗ trợ trước đã", ông Long nhấn mạnh.
Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, mặc dù Nhà nước đã thu thập thông tin và có những phản ứng về an sinh xã hội khá toàn diện, tuy nhiên theo PGS.TS. Giang Thanh Long, thời gian qua, việc xác định đối tượng còn chậm, chính sách hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Có thể ví đại dịch COVID-19 lần này như một cơn lũ, ào đến quá nhanh dẫn đến toàn bộ đều trở tay không kịp. Nhiều vấn đề còn xử lý mang tính chất tình huống nên các chính sách đưa ra vẫn chưa thể tròn trịa và hoàn hảo.
Từ đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu đề tài đã đã đề xuất chính quyền các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát toàn bộ lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động tự do, người di cư không có chỗ ở ổn định để kịp thời hỗ trợ về chỗ ở, ăn… qua các gói an sinh xã hội. Đẩy mạnh việc triển khai rộng rãi các “Siêu thị 0 đồng” trong các khu cách ly, phong tỏa để bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu của người dân khi kéo dài thực hiện Chỉ thị 16.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và các Sở Tài chính tỉnh/ thành phố cần giảm, miễn thuế với các cơ sở, cá nhân kinh doanh lưu trú, cho thuê căn hộ… tham gia vào việc bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động, người bị lưu lại trên địa bàn mà không có nơi ở ổn định (như lao động tự do, sinh viên…) khi họ giảm giá thuê nhà/căn hộ. Trong hoạt động giám sát và đánh giá, cần có quy định cụ thể để tránh trục lợi chính sách.
Cùng với đó, các cơ quan BHXH Việt Nam, và BHXH các tỉnh thành phố cần triển khai các chính sách cụ thể như sau:
Thứ nhất, kết hợp với chính quyền địa phương rà soát và tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, bị ngừng việc hoặc nghỉ việc không lương được tiếp cận kịp thời với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường hoạt động giải quyết thanh toán BHYT cho các nhóm đối tượng tham gia khi khám, chữa bệnh liên quan tới COVID-19, đặc biệt khi gặp các khó khăn hoàn thiện thủ tục do quy định về cách ly, giãn cách…
Thứ ba, giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan tới người lao động phải nghỉ việc do bị nhiễm COVID-19 khi hưởng chế độ qua Quỹ ốm đau và thai sản.
Trước đó, Bộ Lao động và Thương binh xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, thời gian qua, việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 gặp phải một vài khó khăn, vướng mắc. Người dân chưa hiểu rõ thủ tục hồ sơ, người thực thi chính sách ở địa phương cũng chưa thực sự hiểu đầy đủ về các quy định của chính sách, dẫn đến việc xử lý chưa được linh hoạt. Do đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 có thể làm thủ tục để được hỗ trợ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng cách truy cập vào địa chỉ https://ncovi.dichvucong.gov.vn. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp có thể tham khảo các video hướng dẫn đăng ký, đăng nhập và làm thủ tục để được hỗ trợ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo