Chuyên gia quốc tế: Việt Nam kiểm soát dịch linh hoạt, đóng góp tích cực cho khu vực
Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân / Công điện chỉ đạo ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt
Năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam đã khống chế được COVID-19 thông qua việc kết hợp giữa đóng cửa biên giới và thực thi giãn cách xã hội. Gần đây, Việt Nam bỏ chiến lược “không có COVID” để theo đuổi một cách tiếp cận linh hoạt hơn, như chung sống an toàn với virus, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế thông qua tiêm vaccine cho tất cả người dân, cho người lớn, bao gồm công nhân, trước, rồi trẻ em sau (dự kiến vào cuối tháng 10/2021), áp dụng mô hình “3 tại chỗ” trước, rồi cho phép người lao động tự do di chuyển sau…
Dẫn đầu khu vực trong việc kiềm chế COVID-19 lây lan
“Việt Nam trải qua bốn đợt đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 tới nay. Việt Nam đã hành động nhanh chóng và dứt khoát khi đợt dịch đầu tiên bùng phát bằng cách áp dụng tập quán toàn cầu tốt nhất về sức khỏe cộng đồng. Đó là đóng cửa biên giới, xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly, đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội… Những biện pháp ban đầu này rất hiệu quả. Các đợt dịch tiếp theo đòi hỏi các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa, hạn chế đi lại”, GS Carlyle A.Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định.
Một vấn đề mà Việt Nam phải đương đầu trong suốt giai đoạn này là kiếm được đủ lượng vaccine để tiêm cho những thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội cũng như cho người lao động trong các ngành nghề thiết yếu, ông Thayer nói thêm.
Biến chủng Delta xuất hiện tạo ra một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhanh chóng nhận ra rằng, chính sách “Zero COVID” không khả thi. Để đối phó, các nhà lãnh đạo Việt Nam áp dụng chính sách hai hướng chủ động. Đó là kiếm đủ vaccine để tiêm cho người dân để có thể trở lại cuộc sống bình thường và khôi phục các hoạt động kinh tế”, GS Thayer nói.
Theo vị chuyên gia Úc, về hướng thứ nhất, Việt Nam đã thực hiện chiến dịch ngoại giao COVID rất thành công, thu về lượng vaccine cần thiết. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp nhận, làm chủ công nghệ và nâng cao năng lực để tự sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Về hướng thứ hai, Việt Nam đã gia tăng nỗ lực tiêm chủng với trọng tâm là TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đông đảo người dân đã được tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã được dỡ bỏ, ông Thayer nói.
Trong khi đó, ông James Borton, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách đối ngoại, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định rõ ràng rằng, các làn sóng coronavirus ở TPHCM đã gây nhiều thách thức cho chính phủ Việt Nam. Hệ quả của chiến lược “Zero COVID” và các biện pháp nghiêm ngặt đã ảnh hưởng tới nền kinh tế, làm tê liệt ngành du lịch. Vì vậy, Việt Nam đã chuyển sang chính sách sống chung an toàn với virus thông qua một loạt đợt tái mở cửa chia theo từng giai đoạn.
“Rõ ràngkhi COVID-19 bùng phát lần đầu, Việt Nam chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo khu vực, nếu không muốn nói là nhà lãnh đạo toàn cầu, trong việc kiềm chế sự lây lan của coronavirus. Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã củng cố vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc chiến khu vực chống lại đại dịch”, ông Borton nhận định.
Nhưng năm 2021, chủng Delta bùng phát, tràn qua Việt Nam và các nước khác. Tuy vậy, thế giới lại thấy các nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó cơn bão sức khỏe cộng đồng. Đó là tổ chức các hội nghị trực tuyến, tụ hội ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). “Những hoạt động này được công nhân là những bước đi quan trọng. Ngoài ra, phải ghi nhận công lao của Việt Nam trong việc áp dụng các biện pháp đối phó tác động đối với những người yếu thế, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi”, học giả người Mỹ nói.
"Nhà vô địch của thế giớiđang phát triển"
Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, thành viên ASEAN năm 2021, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất, giải pháp phòng chống COVID-19. Đó là kích hoạt các kênh trực tuyến để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa các nước ASEAN, tăng cường điều phối đối thoại với các đối tác (như tổ chức các cuộc thảo luận đặc biệt ASEAN+3), cung cấp trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ cho nhiều nước ở các châu lục khác nhau, thành lập kho dự trữ khu vực trang thiết bị y tế và sản phẩm thiết yếu để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp… Những việc này đã giúp tăng cường sự đoàn kết và hợp tác của ASEAN trong phòng, chống đại dịch và khôi phục kinh tế.
“Tất cả các thành viên ASEAN nên biết ơn Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN năm 2020. Việt Nam nhanh chóng xoay trục từ hiện thực bình thường sang lãnh đạo chủ động để đối phó đại dịch COVID-19 trên quy mô khu vực và toàn cầu”, GS Thayer nhận định.
Theo vị chuyên gia Úc, Việt Nam đã tiên phong sử dụng các hội nghị trực tuyến để tụ họp các bộ trưởng chủ chốt, lãnh đạo chính phủ để thực hiện các chính sách dành cho khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng sử dụng mạng lưới ngoại giao rộng khắp của mình để huy động sự ủng hộ của các nước lớn đối với ASEAN và các thành viên của khối.
“Việt Nam cũng là nhà vô địch của thế giới đang phát triển, được thể hiện qua bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Việt Nam tìm kiếm sự tiếp cận công bằng đối với vaccine cho tất cả các nước và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ để cho phép các nước tự sản xuất vaccine phòng COVID”, ông Thayer nói. Theo ông, ngay từ đầu, Việt Nam đã tạo tiền đề cho việc hoạch định chiến lược khôi phục hậu COVID cho các thành viên ASEAN.
“Tóm lại, việc Việt Nam xử lý khủng hoảng COVID-19, với tư cách Chủ tịch và thành viên ASEAN, giải thích lý do Việt Nam tạo được danh tiếng là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, GS Thayer nhận định.
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang chung tay với các nước khác, các tổ chức lớn trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là những vấn đề liên quan tranh chấp trên Biển Đông và tình hình Myanmar.
“Sự tham dự ngoại giao của Việt Nam trong tranh chấp trên Biển Đông và khủng hoảng ở Myanmar là điều kiện cần thiết, tuy chưa đủ cho một giải pháp thành công đối với những vấn đề nóng này. Việt Nam mang lại sự ổn định chính trị trong nước và tư duy chiến lược tầm xa cho cả ASEAN. Việt Nam thực tế trong cách tiếp cận những vấn đề này. Và Việt Nam ủng hộ quy trình ra quyết định đồng thuận”, GS Thayer nhận định.
Tuy nhiên, điều kiện đủ cho một ASEAN thành công nằm ở sự ổn định chính trị của các thành viên khác của khối và cam kết của họ đối với tính trung tâm của ASEAN, vị chuyên gia Úc lưu ý. Theo ông, sự bất ổn định về chính trị sẽ mở cửa cho các siêu cường bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của từng quốc gia thành viên của ASEAN. Thực tế, sự bất ổn định chính trị ở Myanmar có thể ảnh hưởng các nước láng giềng thông qua dòng người tị nạn và sự bất đồng giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Ông Borton cũng có quan điểm tương tự. Theo vị học giả Mỹ, các thành viên ASEAN thực sự có nhiều mối quan tâm, lợi ích chung hơn những chuyên gia chính sách từng đề cập trong những năm gần đây. Có bằng chứng cho thấy có một chính sách chung liên quan lợi ích ở Biển Đông.
“Các khối xây dựng đồng thuận xoay quanh việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của ASEAN trong việc kiềm chế sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các vùng biển. Hơn nữa, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông công nhận giá trị của hợp tác của ASEAN trong việc hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc”, ông Borton nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo