Tin tức - Sự kiện

Còn 1 học sinh vẫn học trực tiếp, giáo viên F0 vẫn dạy trực tuyến: Có hiệu quả không?

Tổng sĩ số lớp học gần 40 em, sau vài buổi học giảm xuống còn 12 em đủ điều kiện sức khỏe để đến lớp, những buổi sau, số học sinh đi học trực tiếp tiếp tục giảm xuống còn 9 em, song nhà trường vẫn tổ chức dạy học trực tiếp như bình thường.

Trường tiểu học Hà Nội không tổ chức bán trú, phụ huynh xoay sở đưa đón con / Học sinh khối mầm non, tiểu học ở miền Tây rộn ràng đến trường

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay hầu hết các địa phương đã mở cửa trường học trở lại, trong đó có cả học sinh từ 5-11 tuổi chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Qua kiểm tra, đánh giá công tác dạy và học trong 2 tuần học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, thực tế nhiều cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các ca mắc Covid-19 trong trường lớp. Việc khoanh vùng F1 nhiều nơi chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối nghỉ học khi phát hiện F0. Theo nhiều chuyên gia y tế, việc yêu cầu cả lớp, thậm chí cả trường nghỉ học khi vừa phát hiện một vài ca F0 là cách làm cực đoan. Song bên cạnh đó lại có những địa phương quyết tâm tổ chức dạy học trực tiếp bằng mọi giá dù số học sinh đủ điều kiện đến lớp chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số học sinh F0, F1 trong lớp.

Trong cuộc họp trực tuyếnvề công tác mở cửa trường học giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các địa phương vừa diễn ramới đây, đại diện UBND TP Hải Phòng khẳng định, tinh thần chung không chủ quan, không sợ hãi, không đóng cửa, “kể cả có một học sinh đi học trực tiếp trở lại vẫn mở cửa trường học”, tổ chức linh hoạt, kết hợp dạy và học trực tiếp, trực tuyến,khuyến khích phụ huynh cho học sinh đi học trực tiếp,thực hiện công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh trong điều kiện giảng dạy và học tập trực tiếp.

Tại Hà Nội, một trường THPTchuyêncũng gửi thông báo phụ huynh về việc học trực tiếp, trong đó nhấn mạnh: “Dù lớp học còn 1 học sinh vẫn sẽ diễn ra bình thường”.

Nhiều trường khẳng định "1 học sinh vẫn học trực tiếp"

Không chỉ là khẩu hiệu, thực tế có nhiều cơ sở giáo dục cũng đang thực hiện theo phương châm “dù lớp học còn 1 học sinh vẫn học bình thường”. Vừa trở lại trường chưa đầy 1 tuần, ngày 18/2, cô Liên- giáo viên tiểu học tại Hải Phòng nhận kết quả dương tính với Covid-19. Cô Liên cho biết, toàn trường có 26 giáo viên, nhưng đến nay đã có 6 giáo viên thành F0. Sau 1 tuần đi học trở lại sau toàn trường đã có hơn 100/600 học sinh mắc Covid-19. Đáng lo ngại, số học sinh F0 tăng “chóng mặt” theo cấp số nhân, chỉ 1-2 giờ đồng hồ giáo viên lại phát hiện thêm một vào học sinh F0 và kéo theo hàng loạt các em khác F1.

“Học sinh tiểu học còn nhỏ, các con học cả ngày 8 tiếng đồng hồ, dù đeo khẩu trang nhưng vẫn khó tránh những lúc các con kéo khẩu trang xuống nói chuyện với các bạn. Vào lớp cô giáo quan sát thấy có con đang mệt mỏi, ngồi gật gù, đưa xuống phòng y tế test nhanh đã dương tính, những trường hợp như thế liên tục xảy ra. Thứ 6 tuần trước, có lớp tổng sĩ số là 38 học sinh, thì chỉ còn 12 em trên lớp, số còn lại nghỉ học do F0, F1, nhưng đến chủ nhật, phụ huynh lại báo có thêm 3 em dương tính. Cả lớp chỉ còn lại 9 học sinh tạm an toàn. Nhà trường chỉ đạo 9 học sinh này vẫn đến lớp học bình thường. Rất may đầu tuần này thời tiết rét đậm, nên toàn trường được nghỉ do ảnh hưởng của thời tiết”, cô Liên nói.

Chỉ có 1 học sinh đến lớp, giáo viên vẫn dạy trực tiếp tại Hải Phòng. (Ảnh chụp ngày 22/2/2022)

Việc hàng loạt học sinh, giáo viên bị dương tính khiến công tác tổ chức dạy học gặp không ít khó khăn. Chủ trương dạy học trực tiếp, nhưng trớ trêu thay vẫn có những lớp học sinh âm tính nhưng giáo viên chủ nhiệm lại dương tính. “Các con đến trường nhưng lại học trực tuyến vì cô bị Covid-19", cô Liên cho biết.

Không chỉ học sinh, mà nhiều giáo viên cũng dương tính khi đi dạy trực tiếp, nhiều trường thiếu giáo viên, nay lại càng khó khăn hơn khi thầy cô phải nghỉ ốm. Tại trường tiểu học cô Liên đang công tác, những giáo viên dương tính được động viên cố gắng những khi không sốt hay quá mệt vẫn dạy trực tuyến tại nhà. Trên lớp, những giáo viên còn lại cũng phải “gồng gánh” thêm khối lượng công việc của các đồng nghiệp đang cách ly. Thiếu giáo viên, nhiều thầy cô dạy hát nhạc, thể dục, mỹ thuật cũng được điều động lên “trông lớp"thay giáo viên chủ nhiệm, thậm chí cả hiệu trưởng hiệu phó cũng vào đứng lớp thay giáo viên, song công việc vẫn quá tải. Không chỉ dạy học, giáo viên còn kiêm thêm nhiều công việc khác liên quan đến phòng dịch trong trường.

Mở cửa trường học là cần thiết nhưng cần linh hoạt

Theo cô Liên, mở cửa trường học là điều cần thiết, song quá trình thực hiện cần tiến hành linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương. Từ quá trình giảng dạy, cô Liên cho rằng, khi đa số học sinh trong lớp mắc Covid, chỉ còn lại vài em nhưng vẫn yêu cầu đến trường học trực tiếp không thực sự hiệu quả. “Các con đang ốm mệt cũng không thể chú tâm học. Hơn nữa, ở nông thôn, đa số phụ huynh đều phải đi làm, trẻ tự học ở nhà, nên việc học trực tuyến chỉ mang tính chất “gọi là’, “cho có” chứ không thực sự hiệu quả, nhất là với những học sinh nhỏ từ lớp 1-3. Với những em đi học trực tiếp, không khí học tập cũng không vui vẻ, hào hứng như trước. Việc đến trường trong hoàn cảnh này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cả cô và trò”, cô Liên cho biết.

Sĩ số 1 lớp học ở Hải Phòng những ngày này.

Cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, khi học sinh lớp 7-12 đến trường, toàn trường đã có 270 em là F0 và nhiều học sinh khác thuộc diện F1, một số thầy cô cũng đang cách ly do mắc Covid-19. Hiện tại trường có 3 lớp học online hoàn toàn, trong đó có lớp chỉ còn 9 học sinh chưa bị nhiễm đủ điều kiện học trực tiếp.

 

“Ngay khi xây dựng kịch bản đưa học sinh đến trường, ban giám hiệu nhà trường đã dự trù những tình huống nếu rất nhiều học sinh trong lớp là F0, F1 thì sẽ xử lý ra sao, cũng như tính đến việc còn bao nhiêu học sinh âm tính một lớp thì có thể dạy học trực tiếp. Nếu một lớp 40 em, nhưng chỉ còn vài em có thể đến lớp thì không khí lớp học cũng rất buồn tẻ. Việc tổ chức dạy học trực tiếp nhằm mục đích để học sinh có cơ hội giao lưu, trao đổi nhiều hơn với thầy cô, bạn bè, nhưng cuối cùng chỉ còn vài em học trực tiếp thì không còn thực sự hiệu quả”, cô Văn Thùy Dương cho biết.

Cô Dương cho rằng, việc quyết định học trực tiếp hay trực tuyến với từng lớp học cần sự linh hoạt, ứng biến phù hợp của lãnh đạo các trường. Trong đó, dù áp dụng bất cứ hình thức nào, thì chủ thể là học trò cũng cần được quan tâm, chăm sóc đầu tiên.

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục, TS LêViết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc cho học sinh đến trường, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh là cần thiết, song việc thực hiện cần áp dụng hết sức linh hoạt tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, tránh gây áp lực, nguy cơ cho cả học sinh và giáo viên.

“Trong bối cảnh hiện nay cần linh hoạt giữa học trực tuyến và trực tiếp. Học trực tiếp phụ thuộc rất nhiều vào dịch bệnh, đơn cử như Hà Nội đã có quyết tâm rất cao để đưa học sinh tiểu học, lớp 6 trở lại trường từ 21/1, nhưng buộc phải dừng lại. Trên thế giới hiện nay chưa có khẳng định vào về thời gian kết thúc dịch bệnh, chúng ta cần chấp nhận sống chung với dịch. Một số quy tắc phòng dịch tại trường học đã được hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa đủ điều kiện thực hiện, trong đó có việc đảm bảo giãn cách để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tại những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các trường cần tính đến việc giảm tải chương trình, những nội dung nào cần học trực tiếp, nội dung nào có thể học trực tuyến để giảm thiểu thời gian học trực tiếp. Việc mỗi lớp còn vài học sinh nhưng vẫn tổ chức học trực tiếp là rất máy móc. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này”, TS LêViết Khuyến nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm