Tin tức - Sự kiện

Đà Lạt: Không lẽ khu Trung tâm Hoà Bình cứ mãi “đường xưa lối cũ”?

DNVN – Đó là trăn trở của bạn đọc Nhật Minh – một người đã sống và làm việc gần 40 năm tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), sau khi đọc bài viết: “Đã đến lúc Khu trung tâm Hoà Bình Đà Lạt khoác áo mới”. Doanhnghiepvn.vn xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm và những phân tích của tác giả về Đồ án quy hoạch khu Trung tâm Hoà Bình.

Thành phố hoa Đà Lạt tôn vinh 125 điển hình tiêu biểu / Đường phố Đà Lạt ngập ngụa trong "biển rác" những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi

Thời gian qua, bàn luận về Đồ án quy hoạch khu Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt, người thì cho rằng không cần thiết phải quy hoạch; người thì lo ngại “hậu quy hoạch” sẽ là bê tông hóa; là đánh mất di sản; là phá vỡ kiến trúc và vi phạm không gian xanh đô thị. Thậm chí có người còn cho rằng, đồ án này trái với Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ(?)... Xin hãy bàn luận bằng cái Tâm, sự thực khách quan và có trách nhiệm(!)

Đà Lạt đã nhiều lần chỉnh trang, quy hoạch

Trong chặng đường hơn 125 năm hình thành và phát triển, ít nhất Đà Lạt đã trải qua 6 lần “tái quy hoạch, chỉnh trang”. Sau đồ án quy hoạch đầu tiên năm 1897, đến năm 1921, kiến trúc sư Ernest He'brard thiết lập đồ án quy hoạch: “Phát triển Đà Lạt từ một nơi nghỉ dưỡng thành thủ đôhành chính của Liên bang Đông Dương khi cần”.

Đồ án quy hoạch mới là quy hoạch khu Trung tâm Hoà Bình chứ không phải quy hoạch toàn bộ thành phố Đà Lạt như một số người hiểu nhầm (Ảnh: TL)

Đồ án quy hoạch mới là quy hoạch khu Trung tâm Hoà Bình chứ không phải quy hoạch toàn bộ thành phố Đà Lạt như một số người hiểu nhầm (Ảnh: TL)

Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã trình một nghiên cứu mới về "Chỉnh trang TP. Đà Lạt". 7 năm sau, năm 1940, kiến trúc sư H. Mondet đưa ra "Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt". Ngày 27/4/1943, một đồ án chỉnh trang khác của kiến trúc sư Jacques Lagisquet đượcđưa vào thực hiện.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Pháp rời khỏi Đông Dương, Đà Lạt bước vào giai đoạn phát triển mới quy mô hơn. Lúc này, Đà Lạt không phải “của riêng” tầng lớp thượng lưu mà dành cho mọi người dân tới định cư, sinh sống.

Thập niên 60 của thế kỷ trước, đây được coi là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử phát triển Đà Lạt với tình trạng chiếm đất, làm nhà trái phép. Trước thực trạng đó, năm 1973, một đề án “Quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt” được thiết lập.

 

Tuy nhiên, đề án này đã không thành hiện thực,cảnh quan đô thị tiếp tục bị biến dạng bởi những ngôi nhà tạm bợ xây dựng tràn lan ở ngay trung tâm thành phố, nhất là khu vực ấp Ánh Sáng, khu Thao Trường Lâm Viên.Và tình trạng này tiếp diễn trong những năm sau ngày giải phóng.

Năm 1994, Đồ án "Quy hoạch tổng thể TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010" do Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn thiếp lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây nhất là Quyết định 704 ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Như vậy, dù mục đích quy hoạch và điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhưng điều chung nhất là Đà Lạt luôn vận động phát triển.

Vì vậy, chuyện quy hoạch khu Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt (không phải là quy hoạch toàn TP. Đà Lạt như nhiều người lầm tưởng) là một tất yếu khách quan. Đây cũng có thể coi là sự khởi đầu cho lộ trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ.

Có phải là “bê tông hóa”?

 

Nếu gọi là “bê tông hóa” khu Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt như phản biện của một số người, thì thực ra, đó đã là một phần trong sự phát triển từ thời chế độ cũ và trong suốt 44 năm sau ngày giải phóng.

Công tâm mà nói, theo đồ án quy hoạch mới, thì tổng diện tích “bê tông hóa” phải giải tỏa là 14.000m2, còn xây dựng mới chỉ 7.000m2, giảm một nửa so với trước.

Một góc khu Trung tâm Hoà Bình Đà Lạt xưa (Ảnh: TL)

Một góc khu Trung tâm Hoà Bình Đà Lạt xưa (Ảnh: TL)

 

Phần diện tích giải tỏa là những công trình “chắp vá”, trong đó có những công trình được xây dựng từ trước giải phóng. Sự giải tỏa trên đã mở rộng không gian cộng đồng, thông thoáng tầm nhìn, xóa bỏ những cái cũ kỹ, nhếch nhác, chật hẹp.

Yếu tố tích cực này được thể hiện rất rõ trong đồ án, vì vậy, quy hoạch mới Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt không thể nói là “bê tông hóa” như các phản biện.

Có phá vỡ không gian xanh đô thị?

 

Trong quá khứ, khu Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt chưa bao giờ có được “không gian xanh đô thị” đúng nghĩa. Những hình ảnh ghi lại từ trước ngày giải phóng cho thấy rõ điều này.

Ngay khu đồi Dinh hướng Tây và hướng Nam cũng chỉ là triền cỏ; một phần triền đồi phía Đông giáp đường Lý Tự Trọng là cụm rừng thông nằm trong khu vực dân cư.

Dinh Tỉnh trưởng án ngữ trên đỉnh đồi, xung quanh là đất trống; hướng nhìn về phía LangBiang có khoảng hai mươi cây xanh, trong đó có 7 cây cổ thụ trồng trước giải phóng, số còn lại 13 cây được trồng sau giải phóng… Hướng nhìn về khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt, trước giải phóng và bây giờ là khoảng trống; khu vực triền đồi giáp bến xe Tùng Nghĩa và đường Phan Bội Châu nhà cửa mọc lên san sát.

Khẳng định rằng “không gian xanh” khu Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt bây giờ tốt hơn trước ngày giải phóng với sự hiện hữu Công viên ấp Ánh Sáng, vườn hoa ấp Ánh Sáng; vườn hoa đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhìn rộng ra vùng vành đai trung tâm, mảng xanh đồi cù với rất nhiều thông; cây xanh khu vực Khách sạn Palace và Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch; công viên cây xanh Yersin được tạo dựng cách đây hơn 15 năm; công viên đường Bà Huyện Thanh Quan; đồi thông khách sạn Công đoàn; cây xanh và hoa ven hồ; công viên hoa đường Trần Hưng Đạo; rừng thông Dinh 2; xa hơn nữa còn có những khóm thông mới trồng và đặc biệt là cây, hoa được trồng hai bên đường phố.

 

Rạp Hoà Bình (Rạp 3/4) ngày nay, sau đôi lần chuyển đổi công năng (Ảnh: TL)

Rạp Hoà Bình (Rạp 3/4) ngày nay, sau đôi lần chuyển đổi công năng (Ảnh: TL)

Đồ án quy hoạch mới Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt không những không làm giảm đi không gian xanh hiện hữu mà còn phát triển thêm diện tích cây xanh, kết nối với những mảng xanh đã định hình, tạo ra những không gian xanh nối dài từ trung tâm ra tận cửa ngõ thành phố.

 

Thực tiễn, dù nhìn từ quá khứ hay hiện tại và cả tương lai theo đồ án mới đều không thể nói rằng “Quy hoạch Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt có nguy cơ xóa bỏ các giá trị về môi trường, vi phạm quy định bảo tồn cảnh quan rừng trong đô thị” như ý kiến của một sốngười, cũng như các chỉ trích, luận bàn trên mạng xã hội.

Rạp Hòa Bình có phải là “di sản ký ức”?

Một số ý kiến cho rằng rạp Hòa Bình (Rạp 3/4) là di sản, nơi lưu giữ ký ức của người Đà Lạt; có người còn nói rạp Hòa Bình là “Di sản ký ức”.

Thưa rằng, trên thế giới chưa hề có tên gọi “di sản ký ức” mà chỉ có “di sản tư liệu thế giới” hay “chương trình ký ức thế giới” của UNESCO ra đời từ năm 1994. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích…

Rạp Hòa Bình hiện nay được xây dựng vào giai đoạn cuối thời kỳ cận đại (1937) và ít nhất đã vài lần chuyển đổi công năng sử dụng, từ “chợ cây” sang hội trường, rạp hát, rạp chiếu bóng. Rạp Hòa Bình không thuộc di sản tư liệu; không nằm trong danh mục kiến trúc phải bảo tồn; cũng chưa phải là di sản văn hóa hay biểu tượng của Đà Lạt.

 

Việc di dời Dinh Tỉnh trưởng và tầng cao điểm nhấn

Một số ý kiến phản biện cho rằng cần phải bảo tồn Dinh Tỉnh trưởng vì đó là di sản mang giá trị lịch sử trong quá trình phát triển Đà Lạt.

Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng từ năm 1910, không nằm trong danh mục bảo tồn kiến trúc như Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3; Cao Đẳng Đà Lạt, Ga Đà Lạt theo quyết định 704 của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong danh mục “bảo tồn quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước” do UBND tỉnh Lâm Đồng xác lập năm 2017 thì Dinh Tỉnh trưởng nằm trong nhóm phải bảo tồn.

Không gian xanh Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt và khu vực vành đai ngày nay (Ảnh: TL)

Không gian xanh Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt và khu vực vành đai ngày nay (Ảnh: TL)

 

Đồ án quy hoạch mới đề ra hai phương án, một là giữ nguyên vị trí hiện tại của Dinh; hai là di dời nguyên khối đến một vị trí khác.

Điều đó cho thấy, đồ án mới đã nghiên cứu kỹ và tuân thủ quy định về bảo tồn các dinh thự thuộc sở hữu nhà nước. Việc UBND tỉnh chấp thuận cho di dời hay giữ nguyên vị trí là đúng thẩm quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đối với tầng cao công trình, Quyết định 704 của Chính phủ quy định, khu đô thị trung tâm Đà Lạt có tầng cao trung bình tối đa là 3 - 5 tầng, nhưng một số công trình “điểm nhấn” được phép cao trên 5 tầng (quyết định này không quy định giới hạn tầng cao đối với những công trình điểm nhấn).

 

Như vậy, việc xây dựng cụm khách sạn và dịch vụ khu đồi Dinh với chiều cao 10 tầng để tạo điểm nhấn khu trung tâm là không trái với quy định của Chính phủ.

Từ những phân tích trên, cho thấy Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt xưa nay luôn vận động phát triển với nhiều lần tái quy hoạch và chỉnh trang. Đồ án mới này cũng là một sự tiếp nối đương nhiên, nó gánh vác “sứ mệnh” vừa làm khỏe “trái tim” thành phố, vừa đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mỹ, tính kế thừa, lại vừa giải quyết những vấn đề nẩy sinh trong thực tiễn, đáp ứng những đòi hỏi ở tương lai… Đà Lạt từng được ví là cô gái đẹp; đã là cô gái đẹp thì dung nhan không thể xấu xí, biến dạng như hiện nay.

Bỏ cũ thay mới (dĩ nhiên có kế thừa) bao giờ cũng để lại trong lòng người cảm xúc tiếc nuối. Nhưng đừng vì tiếc nuối riêng tư mà “bắt” trung tâm Đà Lạt cứ mãi “đường xưa lối cũ”. Hãy vượt qua hoài niệm để rộng mở tư duy và trân trọng những gì mới mẻ.

Nhật Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm