Đà Nẵng: Mỗi điểm tiêm vaccine Covid-19 sẽ thiết lập một đơn vị cấp cứu thu nhỏ để kịp thời xử lý sốc phản vệ
Đà Nẵng: Ca dương tính mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, dốc toàn lực truy vết F1 trong đêm 11/5 / Ứng dụng triệt để CNTT khi giải quyết thủ tục của tàu thuyền khi đến, rời cảng biển Đà Nẵng
Chiều 17/5, TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, nhằm chuẩn bị cho triển khai tiêm vaccine Covid-19 diện rộng trên địa bàn, Sở Y tế Đà Nẵng đã có kế hoạch nâng cao cấp độ đảm bảo an toàn tại các điểm tiêm vaccine Covid-19 lên mức cao nhất. Tại các đơn vị tiêm vaccine phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện máy móc trang thiết bị, thuốc men để cấp cứu kịp thời nếu có xảy ra sốc phản vệ.
Đà Nẵng sẽ tiến hành tiêm vaccine diện rộng trong thời gian tới
Đội ngũ cán bộ cấp cứu tại chỗ ở các điểm tiêm vaccine Covid-19 cũng phải chuyên nghiệp và được tập huấn cập nhật các phác đồ xử trí sốc phản vệ do Bộ Y tế ban hành. Theo yêu cầu của lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, tất cả nhân lực và phương tiện tại các điểm tiêm vaccine Covid-19 phải đặt trong tình thế sẵn sàng ứng phó bất cứ lúc nào trong và sau tiêm.“Để đáp ứng yêu cầu này, mỗi điểm tiêm vaccine Covid-19 ở Đà Nẵng đều phải thiết lập một đơn vị hồi sức cấp cứu nhỏ tại chỗ, với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết thì mới được cho tiến hành tiêm vaccine Covid-19. Việc trang bị sẽ do ngành y tế Đà Nẵng thực hiện. Đây là một trong các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình tiêm vaccine Covid-19!” – TS.BS Lê Đức Nhân cho hay.
Cũng theo TS.BS Lê Đức Nhân, để triển khai thực hiện kế hoạch này, với phương châm đặt vấn đề an toàn lên trên hết, Sở Y tế Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bệnh viện lớn của TP. Trong đó, Bệnh viện Đà Nẵng được giao rà soát, tập huấn và kiểm tra việc đảm bảo an toàn tiêm vaccine Covid-19 tại các điểm tiêm vaccine.
“Các điểm tiêm vaccine Covid-19 sẽ chuyển chủ yếu về các bệnh viện có đủ năng lực, trang thiết bị. Đối với một số điểm tiêm ngoài bệnh viện thì phải trang bị đầy đủ như một đơn vị cấp cứu tại chỗ để có thể xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đồng thời bố trí sẵn phương tiện vận chuyển, kết nối với các team ECMO (cấp cứu và hồi sức tim mạch) của bệnh viện, để nếu có các trường hợp thực sự cần thiết thì xử lý ngay cho đảm bảo an toàn!” – TS.BS Lê Đức Nhân nói.
TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng nữ điều dưỡng sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Covid-19 được xuất viện ngày 17/5
Cũng trong ngày 17/5, TS.BS Lê Đức Nhân thay mặt lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng đã tặng hoa chúc mừng nữ điều dưỡng bị sốc phản vệ nguy kịch sau khi tiêm vaccine Covid-19 và thông báo nữ điều dưỡng 31 tuổi này đã hồi sức, không để lại di chứng và có thể ra viện.Bác sĩ CKII Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sau 1 tuần điều trị, sức khỏe nữ điều dưỡng bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 đã ổn định và được xuất viện. Trước đó, ngày 10/5, bệnh nhân không có tiền sử dị ứng gì, không có các bệnh lý nền, nhưng khoảng 3 phút sau khi tiêm vaccine Covid-19 thì bị sốc phản vệ, khó thở, suy hô hấp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức, êkíp trực hồi sức đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân, tiêm Adrenaline, đặt nội khí quản, thở máy, cấp cứu ngừng tuần hoàn. Trong 24 - 48 giờ, bệnh nhân sốc nặng, suy hô hấp cấp nặng nê được hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Sau 72 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định dần, các chức năng cơ quan trong giới hạn bình thường, được cai thở máy và tiếp tục theo dõi. Sau một tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trước khi triển khai tiêm vaccine Covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác xử trí các biến chứng sau tiêm và phác đồ cấp cứu phản vệ. Tại thời điểm tiêm vaccine, bệnh viện bố trí khu vực cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị cho công tác hồi sức, gồm hệ thống oxy, máy thở, máy sốc điện, cũng như phương tiện, thuốc men cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao. Bệnh viện cũng lên phương án, chuẩn bị ekip hồi sức cấp cứu ứng trực tại chỗ theo dõi sau tiêm để kịp thời xử lý tình huống.
Bác sĩ CKII Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo tại các điểm tiêm chủng cần chuẩn bị đầy đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu, nhân lực để kịp thời xử trí sốc phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19. Đồng thời cần đánh giá mức độ sốc phản vệ để kịp thời sử dụng Adrenaline cứu sống bệnh nhân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo