DNVN - Đúng như dự đoán, tình trạng ùn ứ cục bộ đã xảy ra tại nhiều chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 trên các tuyến đường, cây cầu ở Đà Nẵng vào sáng thứ Hai 2/8, do việc kiểm tra Giấy đi đường của cán bộ, viên chức, người lao động...
Kể từ 18h ngày 31/7, Đà Nẵng đã thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn TP (cho đến khi có thông báo mới); đi cùng với đó là áp dụng quy định “Giấy đi đường” đối với mọi người dân khi ra khỏi nhà.
Tình trạng ùn ứ cục bộ tại chốt kiểm soát ở ngã ba Lê Duẩn - Chi Lăng đầu giờ sáng thứ Hai 2/8.
Đáng nói là Chỉ thị 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng dù được ghi ký ngày 30/7 nhưng chính thức ban hành lúc 17h chiều 31/7, chỉ 1 giờ trước khi lên “cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn TP” có hiệu lực, và lại rơi vào thời điểm cuối tuần, thứ Bảy và Chủ nhật.
Từ đó đã gây rất nhiều lúng túng cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà máy, cơ sở sản xuất… được phép hoạt động trong việc xác nhận “Giấy đi đường” theo đúng mẫu quy định của UBND TP Đà Nẵng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động kịp đi làm vào đầu tuần sau. Nhiều người dân cũng rất vất vả tìm cách
liên hệ với UBND các xã, phường vào ngày nghỉ cuối tuần xin Giấy đi đường để được đi làm.
Ùn ứ kéo dài trên đường Lê Duẩn sáng thứ Hai 2/8.
Tình trạng ùn ứ ở đầu cầu phía Đông cầu Sông Hàn.
Nhiều người dân cầm sẵn Giấy đi đường trên tay để mong được kiểm tra nhanh.
Người đi làm ca sáng hối hả cho kịp giờ, còn người kiểm tra Giấy đi đường cũng hết sức vất vả.
Và đúng như dự đoán, sáng nay thứ Hai ngày 2/8, trên nhiều tuyến đường, cầu Sông Hàn, cầu Rồng... ở Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng ừn ứ cục bộ để các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 kiểm tra Giấy đi đường. Và qua đây cũng đã làm bộc lộ một số bất hợp lý liên quan đến Giấy đi đường và việc lập chốt kiểm soát trên các tuyến đường.
Ùn ứ trên đường Ngô Quyền hướng ra cảng Tiên Sa.
Đã có nhiều phản ảnh về việc gần như phường nào, quận nào cũng ra quân lập chốt kiểm soát, khiến các chốt được lập quá nhiều trên các tuyến đường, thậm chí có một số trường hợp trở nên bất hợp lý. Ngay trên tuyến đường huyết mạch Ngũ Hành Sơn – Ngô Quyền – Yết Kiêu nối từ cầu Tiên Sơn ra cảng Tiên Sa, phóng viên
Doanh nghiệp Việt Nam đã chứng kiến tình trạng này ở đầu cầu phía Đông cầu Trần Thị Lý, nằm giáp ranh giữa hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Khi hỏi, thì được trả lời: Quận kia khác, quận này khác!
Và để kiểm tra kỹ từng Giấy đi đường của từng người qua chốt thì ít nhất cũng phải mất 1 – 2 phút/người. Việc này là không thể, do lượng người và xe dồn lại quá đông, và ai cũng nôn nóng thúc giục cho kịp giờ đi làm. Nguyên nhân đã xảy ra tình huống chung tại các chốt kiểm soát xảy ra ùn ứ cục bộ chính là việc kiểm tra chiếu lệ Giấy đi đường.
Theo quan sát của phóng viên, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt tập trung quá đông người trên đường Lê Duẩn, đầu cầu phía Đông cầu Sông Hàn, đường Ngô Quyền… gần như chỉ nhìn qua loa xem Giấy đi đường có phải theo mẫu của UBND TP Đà Nẵng (lan truyền đầy trên mạng), thậm chí không kịp nhìn con dấu đóng trên đó là thật hay giả. Nên khó có chuyện xem kỹ nội dung ghi trong tờ giấy đó đúng hay sai quy định. Và tất nhiên không thể tránh khỏi kiểm tra người này nhưng bỏ sót người khác.
Vậy thì việc áp dụng “Giấy đi đường” có ý nghĩa gì đối với những trường hợp như thế này? Ngược lại, do tình trạng ùn ứ cục bộ để xuất trình, kiểm tra Giấy đi đường đã dẫn đến tình trạng tập trung đông người, gây nên những lo lắng về tình trạng lây nhiễm cho cả lực lượng làm nhiệm vụ lẫn người đi đường, nếu trong số những người đang bị ùn ứ lại đó có một ca dương tính cộng đồng chưa được phát hiện!
Bài và ảnh: Hải Châu