Đà Nẵng yêu cầu gia cố tầng hầm đang thi công để tránh sạt lở đất khi có lụt, bão
Chính thức ra mắt MV “Chào Đà Nẵng” / Đón chuyến bay thương mại đầu tiên từ Hàn Quốc trở lại Đà Nẵng sau dịch
Theo đó, tại Công văn 2930/SXD-QLCL (ngày 9/5), Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương lập phương án phòng chống lụt, bão cho các công trình xây dựng đang triển khai thi công và đã đưa vào sử dụng thuộc phạm vi quản lý.
Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu các nhà cao tầng đang thi công tầng hầm phải có biện pháp gia cố để tránh sạt lở đất, bảo đảm an toàn cho công trình.
Đối với cần trục tháp phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ biện pháp neo giằng, hạ tháp theo phương án bảo đảm an toàn đã được chấp thuận, tuân thủ các quy định tại Quyết định số 4944/QĐ-UBND ngày 8/7/2015 của UBND TP Đà Nẵng; máy vận thăng phải được hạ đến cao trình mặt đất; tháo dỡ các bảng hiệu quảng cáo trên cao.
Đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật đang thi công, Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương hoàn thành các hạng mục, phần việc có nguy cơ mất an toàn; có phương án xử lý chống ngập úng, khơi thông dòng chảy, kiểm tra gia cố các điểm xung yếu dễ sạt lở của kênh mương, cống rãnh, ao, hồ chứa; có biện pháp cảnh báo an toàn nơi nguy hiểm.
Về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng; UBND các quận, huyện; các đơn vị quản lý dự án căn cứ kế hoạch phòng chống và khắc phục bão đối với hệ thống cây xanh đô thị tập trung kiểm tra, rà soát, có biện pháp cắt tỉa cành cây có tán lá lớn có khả năng gây mất an toàn, gia cố chống đỡ cây. Đồng thời có phương án trồng thay thế các cây có nguy cơ ngã đổ, đặc biệt trên đường trục chính trung tâm TP, ven sông, ven biển, khu vực đầu cầu…
Đối với điện chiếu sáng công cộng, chiếu sáng trang trí, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, chủ quản lý sử dụng hệ thống điện chiếu sáng trang trí kiểm tra, gia cố các móng, trụ, cần đèn nghiêng có nguy cơ gây mất an toàn, đảm bảo an toàn kết cấu, an toàn điện; tháo dỡ các cấu kiện khác gắn trên trụ phát sinh tải trọng phụ nguy hiểm cho trụ điện, đảm bảo mỹ quan đô thị (lưu ý các trụ điện có gắn bảng quảng cáo, hệ thống dây điện băng đường, dây khác bắt qua các trụ điện, khung vòm trang trí chiếu sáng ngang đường…).
Đối với hệ thống cấp nước sinh hoạt, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng sẵn sàng phương án xử lý trong trường hợp hư hỏng đường ống và cúp điện do ảnh hưởng của mưa bão nhằm bảo đảm nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân.
Cùng với đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải; UBND các quận, huyện; các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án (theo phân cấp quản lý) có phương án chủ động xử lý ngập úng, thoát lũ; gia cố các điểm xung yếu dễ sạt lở của kênh mương, cống rãnh, ao, hồ chứa; kiểm tra nạo vét hệ thống hố ga thu nước, cống rãnh, các trục tiêu nước chính tại các điểm thường xuyên ngập úng cục bộ; có biển cảnh báo, che chắn an toàn tại những nơi nguy hiểm như: hố ga, kênh mương hở, ao hồ, cống rãnh… Riêng với công trình tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị Công ty CP Trung Nam (nhà đầu tư) bảo đảm việc thu, thoát nước khi có mưa lũ.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đề nghị Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng, Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải xây dựng kịch bản ứng phó, kế hoạch diễn tập công tác phòng chống bão lũ gửi về Sở Xây dựng Đà Nẵng trước ngày 5/6, và hoàn thành công tác diễn tập trong tháng 6/2022.
End of content
Không có tin nào tiếp theo