Đại học Đà Lạt “bắt tay” Đại học Deagu Haany Hàn Quốc phát triển ngành dược liệu
Đà Lạt đón chuyến bay quốc tế đầu tiên sau hơn 2 năm tạm ngưng / Đà Lạt có thêm sản phẩm du lịch chuyên đề chất lượng cao
Ngày 22/11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Deagu Haany (Hàn Quốc), trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu phát triển các loại dược liệu quý hiếm.
PGS.TS Nguyễn Tất Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, phát biểu tại buổi lễ ký kết.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, được thành lập từ năm 1957, nhà trường hiện có 41 ngành đào tạo đại học, 9 ngành đào tạo thạc sĩ và 6 ngành đào tạo tiến sĩ. Trường có khoảng 500 cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu, đào tạo khoảng 12.000 sinh viên. Thời gian qua, trường có mối quan hệ rất tốt đẹp với các tổ chức, các trường đại học trên thế giới.
Đối với đối tác Hàn Quốc, lâu nay nhà trường cũng có mối quan hệ hết sức tốt đẹp nhờ sự kết nối, hỗ trợ của cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Yoo Tea-hyun. Tại trường có ngành Hàn Quốc học hàng năm thu hút khoảng 200 sinh viên theo học. Trường còn có Viện King Sejong chuyên giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc cho sinh viên và người dân có nhu cầu.
“Từ mối lương duyên đó, với nền tảng về con người và cơ sở vật chất của nhà trường, chúng tôi mong muốn được hợp tác với Trường Đại học Deagu Haany trong việc trao đổi sinh viên, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu, cũng như giúp đỡ sinh viên nghiên cứu sâu rộng hơn về văn hoá, lịch sử Hàn Quốc”, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng chia sẻ.
GS Byun Chang Hoon – Hiệu trưởng Trường Đại học Daegu Haany, chia sẻ tại sự kiện.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng là vùng đất có nhiều loài dược liệu quý hiếm. Đây là lợi thế cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nhà trường. Từ đó mong muốn sớm thúc đẩy các chương trình hợp tác nghiên cứu giảng dạy về công nghệ sinh học, dược liệu, thực phẩm chức năng mà hai bên cùng quan tâm.
Đáp từ, GS Byun Chang Hoon – Hiệu trưởng Trường Đại học Daegu Haany, cho hay, đây là lần thứ 2 ông đến Đà Lạt, nhưng rất ấn tượng với khí hậu mát mẻ trong lành, đặc biệt là sự hiền hoà, mến khách của con người nơi đây. Ông rất thích các loại rau và nông sản Đà Lạt vì đều rất tươi ngon. Ở đây ông cũng được biết đến nhiều các loại thảo dược, dược liệu quý hiếm. Đây là nguồn tài nguyên vô giá cần được bảo tồn và phát huy.
Ông cũng vô cùng cảm kích khi biết tại Trường Đại học Đà Lạt có nhiều sinh viên Việt Nam theo học ngành Hàn Quốc học và học tiếng Hàn. Trong quá trình học và sau khi ra trường, sinh viên đều được tham gia làm việc trong các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây là một nguồn nhân lực rất chất lượng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đến Việt Nam đầu tư.
Lãnh đạo hai trường đại học ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Nói về ngôi trường đại học đầu tiên mở khoa mỹ phẩm ở Hàn Quốc, vị Giáo sư Hiệu trưởng cho biết, trường có thế mạnh về công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm, công nghệ sinh học, chế tạo thuốc và đặc biệt là nghiên cứu các kỹ thuật công nghệ ứng dụng. Trường không chỉ nghiên cứu y học cổ truyền đơn thuần mà luôn ứng dụng vào thực tiễn. Đó cũng là lý do cho sự ra đời của khoa mỹ phẩm và đã đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc.
“Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc đào tạo giáo dục mà hướng đến việc hợp tác nghiên cứu toàn diện để cùng với các đối tác phát triển. Thương mại hoá các loại cây dược liệu, phát triển các loại thuốc chiết xuất từ thiên nhiên, chuyển giao công nghệ phòng thí nghiệm, mở rộng các kỹ thuật liên quan đến công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm, vật lý trị liệu… Đó là tiềm năng, thế mạnh và là nhu cầu phát triển của hai bên rất cần được khai thác”, GS Byun Chang Hoon nhấn mạnh.
Là người “gieo mối lương duyên” cho quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Deagu Haany, bà Dương Thị Hạnh – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Khoa học kỹ thuật ngành chăm sóc sức khoẻ và thẩm mỹ Việt Nam, cho biết, với sứ mệnh một người con của xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, bằng các mối quan hệ hợp tác quốc tế của mình, bà mong muốn tạo sự kết nối để thế hệ trẻ Lâm Đồng tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho đời sống và xã hội.
Bà Dương Thị Hạnh – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Khoa học kỹ thuật ngành chăm sóc sức khoẻ và thẩm mỹ Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện.
“Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng khí hậu tuyệt vời và có nhiều cảnh đẹp, đã trở thành nơi tham quan nghỉ dưỡng hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã đạt được thoã thuận với Trường Đại học Deagu Haany trong việc triển khai trung tâm dưỡng lão chất lượng cao tại đây. Tôi mong rằng, sự hợp tác giữa hai trường đại học sẽ mang những tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp để phục vụ cho người dân và du khách khi đến với Đà Lạt”, bà Dương Thị Hạnh chia sẻ.
Sau buổi lễ ký kết, lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt đã đưa các Giáo sư đến từ Trường Đại học Deagu Haany và các khách mời tham quan cơ sở vật chất và các trang thiết bị nghiên cứu, học tập của nhà trường. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hiệu quả, hai bên cùng có lợi giữa hai trường. Đồng thời thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kết tinh cảm xúc đêm chung kết cuộc thi ‘Thước phim Đà Lạt’
Dalat Spring Concert mang huyền thoại âm nhạc thế giới biểu diễn thường niên tại Đà Lạt
Đà Nẵng khai mạc lễ hội đón giáng sinh, chào năm mới
Hàng trăm cây dừa được trồng, bãi biển Đà Nẵng thêm sức sống
Kiên Giang vận hành hệ thống camera giám sát giao thông