Văn hóa

Đưa kịch nói đến Đà Lạt: Kỳ vọng một sản phẩm du lịch mới

DNVN – Với việc “cõng kịch lên non”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng và ê-kip mong muốn tạo một sản phẩm du lịch mới cho Đà Lạt, đó là sân khấu du lịch. Dự án cũng kỳ vọng sẽ hình thành ở giới trẻ một thói quen thưởng thức nghệ thuật lành mạnh, thay vì ôm smartphone. Đặc biệt là khơi gợi tình yêu lịch sử, văn học Việt trong học sinh, sinh viên.

Đà Lạt cấm tụ tập ăn uống, đốt lửa, xả rác ảnh hưởng mỹ quan hồ Xuân Hương / Đà Lạt đón chuyến bay quốc tế đầu tiên sau hơn 2 năm tạm ngưng

Ngày 8/11, tại Nhà hát Dalat Opera House (Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt), nhà thiết kế Sỹ Hoàng cùng Công ty Sử Việt và N.A.P Tours đã có buổi chia sẻ với truyền thông về dự án mang kịch nói lịch sử Việt đến Đà Lạt.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng và ê-kip chia sẻ về dự án "cõng kịch lên non".

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng và ê-kip chia sẻ về dự án "cõng kịch lên non".

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, cho biết, dự án sẽ khai màn bằng hai vở diễn miễn phí để phục vụ người dân Đà Lạt vào ngày 26/11 với vở "Yêu là thoát tội" và ngày 27/11 với vở chính kịch "Khóc giữa trời xanh", tại "Thánh đường nghệ thuật" Dalat Opera House (Cinestar).

Vở chính kịch "Yêu là thoát tội" (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Xuân Hồng) lấy nội dung từ vụ án lịch sử Lệ Chi viên. Bi kịch của gia tộc danh nhân Nguyễn Trãi được vở kịch lý giải bằng một góc nhìn mới, đậm tính nhân văn. Vở kịch được công diễn tại TP Hồ Chí Minh với hơn 200 suất, từng đoạt giải bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018.

Trong khi đó, vở kịch "Khóc giữa trời xanh" (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Phùng Nguyên) được cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. Đây là người cùng Lý Thường Kiệt làm nên hai cánh tay văn - võ cho vua Lý Nhân Tông. Ông đỗ Nho học tam trường năm 25 tuổi (tương đương Trạng nguyên), giữ chức vị Thái sư ở tuổi 35. Vở kịch là 1 trong 6 vở đoạt huy chương vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021.

Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, việc gói gém để đưa một “gánh kịch” đến một địa phương ngoài TP Hồ Chí Minh là một nỗ lực rất lớn của ê-kip, vì khó khăn trong việc xếp lịch cho diễn viên, cũng như chuyên chở đạo cụ. Hiện đơn vị tổ chức phải làm việc với nhiều khách sạn, nhà tài trợ để có kinh phí công diễn. Đến khi người dân và du khách quen dần thì các vở diễn sẽ tự đứng được tại Đà Lạt bằng tiền bán vé.

“Khó khăn là vậy, nhưng với tình yêu Đà Lạt và đam mê nghệ thuật, chúng tôi mong muốn mang đến một loại hình giải trí, một sản phẩm du lịch về đêm mới cho Đà Lạt – Lâm Đồng, đó là sân khấu du lịch. Dự án cũng kỳ vọng sẽ hình thành ở giới trẻ một thói quen thưởng thức nghệ thuật lành mạnh, thay vì giải trí trên các thiết bị thông minh. Đặc biệt là khơi gợi tình yêu văn học, lịch sử Việt trong học sinh, sinh viên”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng chia sẻ.

Theo kế hoạch, sau 2 suất diễn ra mắt vào tháng 11, định kỳ mỗi tháng một lần, các vở diễn chính kịch sẽ tiếp tục sáng đèn tại Dalat Opera House, để mang lại “món ăn tinh thần” bổ ích cho người dân và du khách khi đến Đà Lạt. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức cũng đang ấp ủ xây dựng các vở kịch gắn với lịch sử và con người Đà Lạt, cùng những chương trình văn hoá, nghệ thuật, thời trang áo dài đậm phong cách Đà Lạt.

Viên Hữu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm