Tin tức - Sự kiện

Điểm tin Covid-19 tối 4/2: Không phải mọi người dân tại các tỉnh, thành có dịch đều thuộc diện cách ly y tế

DNVN - Tết Nguyên Đán 2021 đang cận kề, nhu cầu quê ăn Tết của người dân gia tăng. Nhiều người - đặc biệt là ở những tỉnh, thành đang có dịch rất lo lắng không biết khi về quê ăn Tết có bị cách ly y tế 14 - 21 ngày hay không?

Clip: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân cấp thông tin để truy vết Covid-19 / Gia Lai: 12 ca dương tính với Covid-19, phong toả bệnh viện tỉnh

Phải nắm rõ thế nào là vùng dịch?

Sau 8 ngày bùng phát dịch Covid-19, tính đến tối 4/2, Việt Nam đã ghi nhận 375 bệnh nhân trong cộng đồng tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hoà Bình, Hải Phòng, TP. HCM, Bắc Giang.

Theo ghi nhận của Doanh nghiệp Việt Nam, hiện có một số tỉnh, thành đã ra thông báo sẽ cách ly y tế 14 – 21 ngày đối với người về từ các tỉnh, thành có dịch. Trong đó có: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, An Giang…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc có cách ly người từ 10 tỉnh, thành đang ghi nhận dịch Covid-19 hiện nay hay không tùy theo quyết định của lãnh đạo các địa phương. Đó là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành, không phải do Bộ Y tế hay Chính phủ quyết định.

Vì Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý, 10 tỉnh, thành có dịch Covid-19, song điều đó không có nghĩa tất cả người dân tại các địa phương này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo các địa phương và người dân cần hiểu rõ thế nào là vùng dịch để có biện pháp phù hợp.

 

Theo đó, vùng có dịch là nơi được chính quyền địa phương xác định và đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Như vậy, những người đang ở vùng dịch, nơi bị phong tỏa, người đi qua những khu vực đang bị phong tỏa tuyệt đối không được di chuyển.

Đối với trường hợp thuộc diện F3, F4 không sinh sống hoặc đi qua các địa điểm bị phong tỏa, thì có thể di chuyển đến địa phương khác khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi cư trú. Ngoài ra, họ bắt buộc phải khai báo với chính quyền ở nơi đến để được theo dõi y tế.

“Cục Y tế Dự phòng đang soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về vấn đề này. Trong đó, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc có được di chuyển trong dịp Tết này cũng như các biện pháp phòng hộ”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế)

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế).

 

Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), hiện nay, căn cứ vào tình hình dịch, thì chưa cấm việc người dân Hà Nội, TP. HCM cũng như 8 tỉnh còn lại không nằm trong vùng dịch đi đến các nơi khác.

Như vậy, không phải tất cả người dân 10 tỉnh, thành đang có dịch khi đi về các địa phương phải thực hiện biện pháp cách ly tế (cách ly tập trung hoặc tại nhà) trong 14 - 21 ngày.

“Người ở địa điểm chưa xuất hiện ca bệnh, chưa bị cách ly, phong tỏa khi về các tỉnh sẽ không bị cách ly. Ví dụ, nếu nói Cầu Giấy (Hà Nội) xuất hiện ca bệnh thì cả quận Cầu Giấy là vùng dịch, mọi người dân sống tại quận này khi đi về các tỉnh khác sẽ bị cách ly là không chính xác”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Tính đến chiều ngày 4/2, đã có những tỉnh, thành sau đây ra thông báo cách ly người về quê ăn Tết:

 

Hải Phòng

Ngày 3/2, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch thành phố Hải Phòng có hướng dẫn tạm thời về biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo nội dung hướng dẫn, những người từ Hải Dương, Quảng Ninh về Hải Phòng buộc phải cách ly tập trung.

Người từ khu vực Hà Nội, cụ thể các địa bàn huyện Mê Linh (xã Tiến Thắng), quận Cầu Giấy (các phường Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu), quận Nam Từ Liêm (các phường Xuân Phương, Uy Nỗ, Mỹ Đình 2) phải cách ly y tế tập trung. Những địa điểm thuộc 3 quận trên nhưng không thuộc các phường, xã đã nêu thì phải thực hiện cách ly tại nhà khi về tới Hải Phòng.

Ngoài ra, các địa bàn huyện Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm và các quận huyện khác thuộc Hà Nội sẽ phải thực hiện khai báo, giám sát y tế khi về tới Hải Phòng (trừ TT Đông Anh, Phú Diễn, Vĩnh Tuy phải cách ly tập trung do đã xuất hiện các ca mắc).

 

Người dân khai báo y tế.

Người dân khai báo y tế.

Tương tự, người đi từ các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh (trừ các xã Lâm Thao, Đồng Tiến, Mãn Đức, Cẩm Lý phải cách ly tập trung) đều phải thực hiện khai báo y tế, giám sát y tế.

Khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tỉnh Gia Lai có 2 huyện La Pa, Krông Pa, người đi từ 2 vùng này về Hải Phòng sẽ phải cách ly tại nhà. Riêng các vùng La Trok, Ia Mrơn, Kim Tân, Chư Rcăm buộc phải cách ly y tế tập trung khi về tới Hải Phòng.

 

Đối với người từ TP.HCM ra Hải Phòng, nếu ở quận 11 sẽ cách ly tại nhà; riêng người ở phường 4, quận 11 buộc cách ly y tế tập trung.

Tương tự, khu vực Bình Dương nếu về Hải Phòng, những người ở Phú Hòa (Thủ Dầu Một), An Bình (Phú Giáo) phải đưa đi cách ly tập trung.

Cũng theo Sở Y tế Hải Phòng, các biện pháp có thể thay đổi trong các hướng dẫn tiếp theo, căn cứ vào tình hình dịch bệnh.

Hà Tĩnh

Tối 2/2, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh ra thông báo về quy định cách ly phòng chống dịch đối với người dân trở về tỉnh sau cách ly tập trung 14 ngày, đối với người dân có tiền sử tiếp xúc gần (F1) với người từ vùng dịch đang thực hiện giãn cách xã hội; các nơi có ca nhiễm COVID-19 từng đến; vùng bị phong tỏa như Đại học FPT tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), thành phố Chí Linh (Hải Dương), Sân bay quốc tế Vân Đồn, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh).

 

Các trường hợp này phải cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc 2m với các thành viên trong gia đình, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế đối với những trường hợp F2.

Người dân phải khai báo y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà đối với tất cả người trở về từ các nơi khác và đến cơ sở y tế cần nhất để kiểm tra nếu có các biểu hiện như ho sốt, đau họng.

Thanh Hóa

Theo Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cả nước hiện có 52 điểm được coi là vùng dịch (theo công bố của Bộ Y tế) và quy mô khác nhau có thể là nhà hàng, có thể là khu phố, có thể là xã phường hoặc lớn hơn là thành phố như Chí Linh, Hạ Long... Những người từng sinh sống ở các điểm có dịch, khi về quê sẽ phải cách ly tập trung, còn vị trí khác có thể không.

Theo tỉnh này, người dân khi về quê hoặc mỗi ngày đều có thể khai báo y tế online hoặc trực tiếp trình bày tại cơ quan y tế gần nhất. Nhân viên y tế sau đó sẽ đối chiếu các điểm bùng phát dịch và đưa ra biện pháp cụ thể. Do đó, không phải bất kể ai đi về từ Hà Nội hay tỉnh thành có dịch đều bắt buộc phải cách ly tập trung.

 

Hà Nam

Ngày 28/1/2021, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn 264/UBND-KGVX thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Công văn này Hà Nam yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Y tế tuyên truyền, vận động người dân về từ Hải Dương, Quảng Ninh và các vùng có dịch khẩn trương đến cơ quan y tế gần nhất để khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe.

Như vậy, người dân Hà Nam đi làm ở Hà Nội vẫn được về quê ăn Tết, chỉ cần khai báo y tế tại cơ quan chức năng.

Thừa Thiên Huế

 

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh này yêu cầu từ 12h ngày 3/2, sẽ tổ chức cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân từ Quảng Ninh, Hải Dương; các quận, huyện thuộc TP. Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có điểm dịch và các khu vực, địa điểm do Bộ Y tế cập nhật, thông báo đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thông báo về việc cách ly tập trung đối với công dân trở về từ vùng dịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thông báo về việc cách ly tập trung đối với công dân trở về từ vùng dịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh yêu cầu tất cả mọi người dân đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả người Huế về địa phương) bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.

 

Đồng thời, Thừa Thiên Huế cũng tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động đang làm việc tại Cảng hàng Không Quốc tế Phú Bài, Cảng Thuận An, Cảng Chân Mây, Ga Huế, Bến xe Phía Bắc, Bến xe Phía Nam.

Nghệ An

Ngành y tế tỉnh Nghệ An yêu cầu tất cả những người từ các địa bàn đang bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khi trở về đều thuộc diện cách ly tập trung và được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Những người có mặt vào thời gian F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định.

Các trường hợp khác từ ngoại tỉnh trở về đều phải khai báo y tế, theo dõi tại nhà và liên hệ với y tế địa phương khi có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, tức ngực... để được tư vấn.

 

An Giang

Ông Lê Văn Phước, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, người dân trở về An Giang từ tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh từ ngày 12/1 đến nay phải thực hiện khai báo y tế.

UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và của tỉnh; kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch tại địa phương.

Ngành y tế sẵn sàng kế hoạch ứng phó trong mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra, nâng cao năng lực khám, điều trị, khả năng truy vết, xét nghiệm nhanh, bảo đảm an toàn nhất là trong dịp Tết sắp đến.

Ông Lê Văn Phước yêu cầu các trường hợp trở về An Giang từ tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh kể từ ngày 12/1/2021 đến nay phải thực hiện khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và thực hiện cách ly tại nơi ở; khi có các triệu chứng nghi ngờ, yêu cầu khai báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

 

Bắc Ninh

Ngày 28/1, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn hỏa tốc yêu cầu các huyện có địa giới hành chính giáp tỉnh Hải Dương (như Quế Võ, Thuận Thành, Lương Tài) thành lập các chốt liên ngành để kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu khi phát hiện người có biểu hiện ho, sốt… đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám theo quy định.

Nam Định

Địa phương này sẽ lập danh sách những người trở về từ các địa điểm có ca mắc Covid-19 để cách ly, quản lý theo quy định. Người đi qua hoặc trở về từ các điểm có dịch khai báo y tế, cách ly tại nhà 14 ngày.

 

Nếu xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, người dân được khuyến cáo đến ngay cơ sở y tế. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ truy vết, cách ly những người tiếp xúc gần hoặc có liên quan với ca nhiễm Covid-19.

Thái Bình

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình yêu cầu tất cả những người từ ổ dịch (theo thông báo và cập nhật của Bộ Y tế) về địa phương bắt buộc phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, nếu không buộc phải "quay đầu" về nơi xuất phát. Các công dân từ những nơi không phải là ổ dịch được đi qua, đi đến tỉnh Thái Bình một cách bình thường, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại.

Các chốt kiểm dịch đặt ở đầu mối giao thông với các tỉnh lân cận thực hiện phương châm tạo điều kiện tối đa cho người và phương tiện lưu thông trong dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ.

Hiện, tỉnh Thái Bình đã yêu cầu tất cả 8/8 huyện, thành phố bố trí sẵn các khu cách ly tập trung đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong thời gian cách ly cho công dân từ ổ dịch trở về. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chủ động cung cấp thông tin tố giác, phát giác những người từ ổ dịch trở về, hoặc có triệu chứng nghi mắc bệnh nhưng không tự giác khai báo y tế hoặc thực hiện cách ly.

 

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm