Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp góp ý, phê bình để Lâm Đồng ngày càng tốt hơn

(DNVN) – Đó là đề nghị của ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 2 năm 2018, diễn ra chiều 24/12 tại TP. Đà Lạt.

Làm gì để khởi nghiệp Lâm Đồng “cất cánh”? / Lâm Đồng: Cà chua thân gỗ vẫn không đủ để bán

Tham dự hội nghị có hơn 100 doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng.

Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, phê bình để tỉnh ngày càng tốt hơn

Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thẳng thắn đóng góp ý kiến, phê bình để tỉnh ngày càng tốt hơn (Ảnh: VH)

“Hội nghị mỗi năm chỉ tổ chức 2 lần, nên rất mong muốn các doanh nghiệp nêu lên các vấn đề còn bất cập, đóng góp góp ý kiến, kể cả những vấn đề có tính chất phê bình, xây dựng, để cho tỉnh ngày càng tốt hơn”, ông Yên chia sẻ và “trấn an” các doanh nghiệp hãy mạnh dạn nêu ý kiến, vì tham dự còn có các cơ quan báo, đài để truyền thông một cách công khai, minh bạch chứ tỉnh không hề “giấu diếm” các vấn đề này.

Để giải quyết rốt ráo, triệt để các ý kiến của doanh nghiệp, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố tham dự phải lắng nghe, ghi chép đầy đủ các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của mình và phải có trách nhiệm trao đổi, giải quyết.

“Những nội dung nào giải quyết ngay được thì các vị phải giải đáp, giải quyết ngay tại Hội nghị. Những nội dung chưa chắc chắn, chưa nắm được, phải ghi nhận để giải quyết. Sau đó, tỉnh sẽ có trách nhiệm tổng hợp để trả lời, giải đáp, giải quyết ngay cho doanh nghiệp”, ông Yên nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến, bức xúc tại Hội nghị (Ảnh: VH)

Bà Võ Thị Nhạn, Giám đốc Công ty Thành Phong "sốt ruột" đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực hơn nữa để triển khai dự án vì 10 năm nay vẫn giẫm chân tại chổ do một số hộ dân lấn chiếm, phá rừng của dự án (Ảnh: VH)

 

Thậm chí, ban tổ chức đã bố trí trà, cà phê, trái cây để khi giải lao, nếu có những vấn đề trong hội nghị không nói được, thì trong tiệc trà giải lao, các doanh nghiệp có thể gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành để trao đổi. Đây cũng là một phương thức để chia sẻ, giúp các doanh nghiệp phát triển ngày càng tốt hơn tại tỉnh Lâm Đồng.

Theo ghi nhận của Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, hội nghị lần này đã có 13 đại diện doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, nêu hơn 30 phản ánh, ý kiến, bức xúc, đề xuất, trăn trở... của mình, khi đi vào thực tế đầu tư, làm ăn tại tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó, có một số ý kiến tiêu biểu, liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính trong doanh nghiệp, kinh doanh, như: Cấp trên, cấp lãnh đạo chỉ đạo, điều hành rất “nóng”, rất rốt ráo, nhưng cấp thi hành, cấp chuyên viên còn “nguội lạnh”, giải quyết công việc còn chậm chạp, gây phiền toái cho doanh nghiệp...

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến, bức xúc liên quan trực tiếp đến dự án của doanh nghiệp, như: Việc chậm xử lý ô nhiễm môi trường trong khu công nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp “hàng xóm” và người dân; nỗi lo “lâm tặc” chiếm đất, phá rừng của doanh nghiệp thuê rừng khiến dự án được giao 10 năm vẫn chưa thể triển khai...

 

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương trả lời, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị (Ảnh: VH)

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chia sẻ, ông từng bị "lâm tặc" vác dao xông vào doạ chém khi cùng đoàn chức năng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức giải toả các hộ dân lấn chiếm, phá rừng thuộc đất rừng dự án của doanh nghiệp(Ảnh: VH)

Cũng có những ý kiến được cho là “nhạy cảm” cũng được nêu ra, như: Có hay không việc ưu ái doanh nghiệp này, “lạnh nhạt” doanh nghiệp kia(?) Có người “ỷ” là cán bộ nhà nước, ngang nhiên lấn chiếm đất dự án của doanh nghiệp, khiến việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn; Có người nhà của cán bộ kiểm lâm, lấn chiếm, phá rừng trong đất rừng dự án của doanh nghiệp, khiến việc giải toả để triển khai dự án gặp rất nhiều trở ngại...

Có rất nhiều ý kiến, phản ánh, bức xúc... của doanh nghiệp đã được lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, giải đáp, “tháo gỡ” ngay tại hội nghị. Bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề để giải quyết cần có nhiều thời gian, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nên các đại biểu hứa ngay sau hội nghị này, sẽ tiếp tục đồng hành, ngồi lại cùng chung tay giải quyết để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh một số vấn đề, kiến nghị cấp thiết của doanh nghiệp tại Hội nghị này.

Kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết dứt điểm

Ngày 6/7/2018, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đối thoại lần thứ nhất năm 2018 giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đã có 13 doanh nghiệp nêu 15 kiến nghị liên quan đến trách nhiệm trả lời của các sở, ngành. Các kiến nghị đã được UBND tỉnh và các sở, ngành trả lời và giải hình tại hội nghị. Những kiến nghị chưa giải quyết trực tiếp đã được các ngành, các địa phương tiếp tục giải quyết sau hội nghị.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, đến nay, không có doanh nghiệp nào phản ảnh không đồng tình với kết quả giải quyết trực tiếp tại hội nghị cũng như sau hội nghị của các cơ quan liên quan.


VIÊN HỮU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm