Đồng USD mạnh và bài toán ổn định kinh tế vĩ mô
Sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số / Những điểm mới trong chính sách về nhà ở, bất động sản có hiệu lực trong tháng 8/2022
Đồng USD mạnh lên, sự ổn định của Đồng Việt nam
Cách đây ít ngày, cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất USD thêm 0,75 điểm phần trăm. Lãi suất cơ bản tại Mỹ hiện dao động quanh mức từ 2,25 - 2,5%. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất nhanh nhất của FED trong rất nhiều năm qua.
Ước tính đồng USD đã tăng giá gần 11% từ đầu năm đến nay, đây là kết quả sau 4 lần Cục dự trữ liên bang Mỹ FED tăng lãi suất, vào tháng 3, tháng 5, tháng 6 và 28/7 vừa qua.
Ở chiều ngược lại, hàng loạt đồng tiền đã mất giá mạnh so với USD, mất giá nhiều nhất là đồng Yên của Nhật Bản - giảm 15,5%, Euro và bảng Anh cũng mất giá hơn 10%, đồng Won của Hàn Quốc, Bath của Thái Lan cũng mất giá gần 9%.
Đồng USD mạnh lên sau các lần tăng lãi suất liên tiếp
Tiền Đồng Việt Nam, tính đến hôm nay chỉ mất giá khoảng 2,3% so với USD. Chiều nay, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại là 23.480 đồng. Tiền Đồng vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thách thức khi đồng USD tăng giá mạnh
Dự báo từ nay tới cuối năm, FED có thể còn tiếp tục tăng lãi suất thêm khoảng 1% nữa. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng ở các nước có thể sẽ đắn đo hơn khi chi tiêu. Điều này, khiến cơ hội với hàng xuất khẩu của Việt Nam phần nào sẽ bị thu hẹp.
Còn ở chiều nhập khẩu, đồng USD ngày càng đắt đỏ khiến doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền hơn để mua nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh, từ đó càng gây thêm sức ép lạm phát. Việc giữ chân dòng vốn đầu tư khi sức hấp dẫn lãi suất USD tăng lên cũng là vấn đề được đặt ra.
Hiện nay toàn bộ cước vận tải quốc tế tính bằng USD. Điều này có nghĩa giá USD cứ đắt thêm 1%, thì doanh nghiệp thuê tàu sẽ phải trả chi phí tăng lên đúng 1% đó, bất kể giá cước container là bao nhiêu.
“Cơ cấu chi phí của logistic sẽ thay đổi. Ví dụ khi tỷ giá tăng làm xăng dầu, chi phí nguyên liệu, phụ tùng thay thế, chi phí phụ tùng phải nhập khẩu sẽ tăng giá lên”, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Delta cho biết.
Chi phí logistic tăng theo USD, giá hàng hoá nhập khẩu cũng tăng theo USD và lạm phát thế giới. Doanh nghiệp nhập khẩu này tính toán, tỷ giá tăng lên 1 phần thì chi phí mà họ phải chịu sẽ tăng lên 2 phần. Muốn giữ được lợi nhuận thì phải tăng giá bán ra ở trong nước, mà như thế thì khó giữ được khách hàng.
“Việc đầu tiên là chúng tôi phải tăng nguồn cung lên, tăng lượng tồn kho lên. Việc thứ hai là tiết kiệm các chi phí có thể cắt giảm được để đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp và đồng hành cùng với khách hàng”, ông Trần Thế Tùng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Thương mại Dịch vụ Hợp Thuỷ cho biết.
Đồng USD mạnh lên đặt ra không ít thách thức cho kinh tế Việt Nam
Việc lãi suất đồng USD hấp dẫn hơn cũng làm dấy lên lo ngại dòng vốn đầu tư các nơi sẽ dịch chuyển về Mỹ. Thực tế tại Việt Nam, vốn đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán có xu hướng rút ròng khoảng 4.600 tỷ đồng từ đầu năm tới nay. Còn với đầu tư trực tiếp, trong 6 tháng qua thu hút khoảng 14 tỷ USD, phần nào chậm hơn so với năm ngoái và chưa tương xứng với tiềm năng. Áp lực là có, nhưng chưa phải là mức biến động quá lớn và chỉ mang tính tạm thời. Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn trong dài hạn.
“Chúng tôi không vì biến động nhất thời của tỷ giá mà thay đổi kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Nếu có chăng thì việc giải ngân chỉ chậm lại đôi chút để các doanh nghiệp cân đối chi phí vốn. Chưa kể mức động tỷ giá ở Việt Nam rất nhỏ nên chúng tôi vẫn yên tâm”, ông Ogawa Toshihiro - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam cho biết.
Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết, Việt Nam bán 13-15 tỷ USD từ đầu năm đến nay để giữ tỷ giá không vượt quá 25.000 đồng.
“Đây là một nỗ lực rất lớn. Đến thời điểm này mà nói thì đồng VND so với rất nhiều đồng tiền khác thì chúng ta đang biến động ít hơn rất nhiều”, ông Ngọc đánh giá.
Bài toán ổn định kinh tế vĩ mô
Thách thức khi đồng USD tăng giá đang gây nên nhiều áp lực đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lạm phát, sự ổn định của đồng nội tệ đang là bài toán lớn đối với nhiều nền kinh tế trong lúc này.
Mới đây nhất, Australia lạm phát đã tăng cao nhất trong vòng 21 năm qua. Còn ở Việt Nam, biến động tỷ giá giữa Việt Nam đồng và USD hiện nay chỉ khoảng 2,5%, được đánh giá là sự nỗ lực trong điều hành của Chính phủ. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tại cuộc làm việc vớiThủ tướng Phạm Minh Chính nhằm tham vấn các giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô diễn ra vào ngày hôm qua.
Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô nên là mục tiêu được ưu tiên cao nhất trong thời điểm này. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ gây ra nhiều hệ luỵ và phí tổn cho nền kinh tế, vì thế rất đồng tình với Chính phủ khi đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu được đặt ưu tiên cao nhất trong thời điểm này.
Theo đánh giá bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ gây ra nhiều hệ luỵ và phí tổn cho nền kinh tế
“Ổn định kinh tế vĩ mô vừa là công việc thường xuyên, nhưng giai đoạn hiện nay càng cần được quan tâm và chú trọng”, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá.
Các chuyên gia cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường nhưng hiện Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát, lãi suất, tỷ giá, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được giữ ổn định. Những nguyên nhân gây bất ổn định tế vĩ mô cũng ngày càng hiện hữu và áp lực ngày càng tăng, đó chính là lạm phát do chi phí đẩy.
“Trong chi phí đẩy chủ yếu do 3 nhóm chính và do chủ yếu tác động từ xăng dầu. Nhóm thứ nhất là giao thông vận tải. Nhóm thứ hai là lương thực thực phẩm ăn uống. Nhóm thứ ba là nhà ở, vật liệu xây dựng. Ba nhóm này chiếm tới 80% tổng lượng tăng CPI trong thời gian qua”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia cho biết.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện còn dư địa để hạ giá xăng dầu xuống khi cơ cấu thuế chiếm khoảng 30%. Hạ giá xăng dầu không chỉ giúp kiểm soát lạm phát mà còn giúp phục hồi kinh tế, bình ổn được đời sống của người dân
Trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia đã đề xuất, tham mưu về chính sách điều hành trong thời gian tới.
“Cái khác nhau của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và năm 2022 là gì? Năm 2008 là các nước đua nhau phá giá tiền tệ. Bây giờ các nước đua nhau tăng giá tiền tệ, nên các ngân hàng Nhà nước điều hành để tỷ giá biến động khoảng 2-4% là rất tối ưu. Nếu không chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát từ thế giới, vì độ mở của kinh tế Việt Nam là rất lớn', ông Trương Văn Phước - Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là ưu tiên số 1 hiện nay
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là mục tiêu ưu tiên, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong thời gian còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại