Giải pháp căn cơ giúp ổn định thị trường lao động
Khuyến cáo cảnh giác với tội phạm tiêu thụ tiền giả dịp mua sắm cuối năm / 60% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Cắt việc giảm, tạm hoãn hợp đồng lao động do thiếu đơn hàng, nhưng cũng chính các doanh nghiệp thuộc các ngành có mức thâm dụng lao động lớn như dệt may, da giày tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai lại phải đối mặt với một nỗi lo lớn, đó chính là thiếu nhân lực sau Tết vẫn diễn ra nhiều năm.
Hơn 620.000 người lao động bị mất việc hay cắt giảm giờ làm trong năm 2022 tập trung tại 25 địa phương trên cả nước.
Trong bối cảnh thiếu đơn hàng, việc giảm lao động bằng hình thức lao động tự nguyện nghỉ việc tưởng là thuận lợi, nhưng lại không phải như vậy.
Hơn 620.000 người lao động bị mất việc hay cắt giảm giờ làm trong năm 2022 tập trung tại 25 địa phương trên cả nước. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Nếu đơn hàng thun có lại nhiều thì lúc đó lấy lực lượng lao động ở đâu? Bởi vì Hansae Việt Nam Củ Chi quy mô 10.000 hiện nay còn 3.000 thì 70% công suất còn thiếu. Phục hồi 70% lực lượng lao động lấy ở đâu", ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam, nói.
Bài học kinh nghiệm từ những khó khăn tuyển dụng lao động ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tươi mới, vì vậy những lo lắng này là rất cận kề. Từ góc độ của người sử dụng lao động, các doanh nghiệp đã có những đề xuất.
"Trong bối cảnh này thì giữa người lao động và doanh nghiệp đều có mong muốn giữ được mối liên hệ để sau khi doanh nghiệp phục hồi, người sử dụng lao động có sẵn nguồn lao động ở đó và người lao động cũng biết khi doanh nghiệp phục hồi tôi đến đó làm ngay", bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Nhân sự và an toàn công ty TNHH Interwood Việt Nam, cho hay.
"Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan xây dựng phương án xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối và điều tiết lao động, các nơi cắt giảm, các nơi có nhu cầu tuyển dụng, cũng như có cơ sở dữ liệu để khi có đơn hàng trở lại có thể tìm được người lao động nhanh chóng hơn", bà Bùi Thị Ninh, Trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI TP Hồ Chí Minh, đề xuất.
Ở quy mô quốc gia, cơ sở dữ liệu dân cư khi được kết nối, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cũng sẽ là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu lao động, việc làm. TP Hồ Chí Minh đã có 10 năm xây dựng cơ sở dữ liệu vềthị trường lao động. Với vai trò của đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh còn có kế hoạch về nguồn nhân lực không chỉ cho riêng mình khi xu hướng dịch chuyển lao động đang diễn ra mạnh mẽ.
"Với cơ quan lao động ở các địa phương lân cận, TP Hồ Chí Minh phối hợp rất chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động. Nếu họ tiếp tục chuyển nghề và làm việc tại TP Hồ Chí Minh thì ổn, còn nếu về quê mà cần có một công việc mới mà phải đào tạo lại thì TP Hồ Chí Minh chúng tôi sẵn sàng", ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực bên cạnh việc điều chỉnh chính sách an sinh xã hội hợp lý vẫn sẽ là giải pháp căn cơ để ổn định thị trường lao động tại Việt Nam.
Ổn định thị trường lao động cuối năm
Tại tỉnh Khánh Hòa, không có doanh nghiệp nào giảm từ 100 lao động trở lên trong vòng 1 tháng qua. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp tìm cách để người lao động có công ăn việc làm. Bên cạnh đó, việc kết nối cung cầu trên thị trường lao động tiếp tục được tăng cường. Nhờ vậy, dự báo đưa ra từ nay đến Tết Nguyên đán, thị trường lao động ở Khánh Hòa vẫn giữ được ổn định.
Những lao động trong nhà máy đóng gói sản phẩm nước mắm. Công việc hàng ngày vẫn đều đặn. Sau thời gian dài gặp khủng hoảng bởi dịch bệnh COVID-19, áp lực chi phí đầu vào tăng cao, sức tiêu thụ chung trên thị trường bị giảm sút, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, chính việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, đón đầu nhu cầu tiêu thụ nước mắm dịp Tết Nguyên đán đã giúp nhà sản xuất giữ được công ăn việc làm cho người lao động.
"Do đây là mặt hàng thiết yếu nên lượng hàng bán ra không sụt giảm nhiều. Vì vậy công ty tạo đủ việc làm cho người lao động", ông Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, cho hay.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, có 1.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tính từ đầu năm đến nay, nhưng bên cạnh đó, lại có hơn 2600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hoặc thành lập mới. Tính chung cả tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 20.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, qua nắm bắt tình hình các doanh nghiệp, trong tháng qua cũng như trong vòng 3 tháng tới, không có doanh nghiệp nào phải giảm từ 100 lao động trở lên.
"Các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh thì có 200 doanh nghiệp ổn định và vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động để phát triển sản xuất, kinh doanh", ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, thông tin.
Hiện tại, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn giữ được ổn định. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng lao động với nhu cầu tuyển dụng bình quân mỗi tháng khoảng 1.000 người. Bằng hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, các phiên giao dịch việc làm được tổ chức, kết nối cung - cầu trên thị trường lao động.
Tại tỉnh Khánh Hòa, lĩnh vực đang cần lao động là cơ khí, chế biến thực phẩm và du lịch. Riêng đối với du lịch, chuẩn bị mùa du lịch Tết nên trong tháng cuối năm này, các đơn vị lữ hành cũng như lưu trú vẫn tiếp tục tìm cách giữ chân lao động để ổn định nguồn nhân lực phục vụ du khách.
Dự báo việc làm sau Tết
Với nhiều người lao động, Tết này, vấn đề họ quan tâm nhất không chỉ là thưởng Tết bao nhiêu, mà là có đủ việc làm hay không, nhất là sau Tết.
Kể từ tháng 9, Việt Nam có hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút. Khoảng 90% công nhân phải giảm giờ làm. Đây là thống kê trong báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC về tình hình kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu nên khó tránh khỏi những tác động khi thương mại toàn cầu chậm lại.
Do lợi thế giao hàng nhanh nên các đơn hàng từ những thương hiệu lớn như Zara, Champion, Uniqlo... vẫn về Việt Nam đều, nhưng số lượng mỗi lần đặt ít hơn và chỉ đặt hàng từng tháng một.
"Bao giờ cuối năm cũng trũng xuống bởi thời điểm này là thời điểm sản xuất hàng mùa hè, lượng hàng mùa hè không có nhiều. Vì vậy lượng hàng giảm ở thời điểm này là điều hết sức bình thường", ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định.
Các đơn hàng bị giảm sút, nhưng công nhân chỉ bị cắt giảm giờ chứ không mất việc. Qua năm 2023, các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas vẫn cam kết gia công hơn 50% sản lượng tại Việt Nam.
Kể từ tháng 9, Việt Nam có hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Các doanh nghiệp hiện nay vẫn duy trì đơn hàng và đảm bảo được các quyền lợi cho người lao động. Các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023, quý 1 và quý 2. Chúng tôi mong muốn vào quý 2, khả năng phục hồi đơn hàng sẽ quay trở lại", bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, cho hay.
Do người lao động Việt Nam có tay nghề tốt, làm được những sản phẩm khó nên nhiều hãng điện tử vẫn cam kết đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều nhà máy của các hãng điện tử vẫn đang mở rộng.
"Tình hình việc làm đến tháng 3 vẫn ổn, nhưng sau tháng 3 sẽ biến động. Tuy nhiên đấy là biến động do thị trường chứ không phải do các đối tác, nhãn hàng có chủ trương rút khỏi Việt Nam. Qua trao đổi, chúng tôi thấy các nhãn hàng, đối tác vẫn mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam nên chúng tôi hy vọng tình hình sau tháng 3 sẽ sáng sủa hơn", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin.
Thực tế, các mặt hàng gia công tại Việt Nam là hàng trung cấp trở lên nên ít bị ảnh hưởng hơn loại đại trà. Khó khăn chỉ là tạm thời khi tiêu dùng trong nước vẫn đang được mở rộng và nền kinh tế thế giới sẽ thích nghi tốt hơn vào năm sau.
Một nội dung quan trọng tại công điện của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động là tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động, có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và triển khai các chính sách về lao động, việc làm; tạo cơ hội và ổn định việc làm cho người lao động cần được các địa phương, doanh nghiệp coi trọng nhằm ổn định an sinh xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo