Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Chỉ số ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khoẻ

Trong những ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức có hại cho sức khoẻ. Chỉ số chất lượng không khí đo được tại khu vực Hà Nội liên tục xuất hiện cảnh báo màu đỏ, tức là ở mức rất nguy hại đối với sức khoẻ con người.

Các nước tiểu vùng sông Mekong bàn về ô nhiễm khói mù / 12,6 triệu người tử vong/năm vì môi trường ô nhiễm

Vào thời điểm lúc 15h00 ngày 28/1, chỉ số đánh giá chất lượng không khí (AQI) trên Cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND TP Hà Nội cho thấy AQI tại đường Phạm Văn Đồng đang ở mức 202, khu vực Hàng Đậu đạt 201, rất nhiều nơi khác trên địa bàn Hà Nội, AQI đều ở mức trên 150.
Quan trắc khu vực Hà Nội ngày 28/1.

Quan trắc khu vực Hà Nội ngày 28/1.

Trước đó, theo chỉ số đo được của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vào 15h30 chiều ngày 27/1, chất lượng không khí AQI ở 10 điểm đo của Hà Nội đều ở mức kém và mức xấu. Nhiều nơi ghi nhận rất cao như điểm đo Phạm Văn Đồng lên tới 240 (xếp loại xấu, mức nguy hiểm thứ 2 trong bảng chỉ số), điểm đo Hàng Đậu là 238 (xếp loại xấu).
Đặc biệt, vào ngày 25/1/2019, nhiều điểm đo ở Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI của bụi PM 2.5 (loại bụi được coi là nguy hiểm tới sức khoẻ) lên ngưỡng nguy hại. Điểm đo Phạm Văn Đồng đo được chỉ số AQI PM 2.5 lên tới 400, một chỉ số mà theo đánh giá của giới chuyên gia là hiếm khi lên tới. Điểm đo Mỹ Đình, chỉ số AQI PM 2.5 cũng lên tới hơn 300, điểm đo tại Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng lên tới 400. Ở một số điểm đo khác, chỉ số bụi AQI PM 2.5 cũng tiệm cận mức nguy hại.
Giải thích về việc chất lượng không khí Hà Nội xấu đi, các chuyên gia môi trường cho rằng, có thể có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do lượng người tham gia giao thông tăng cao trong dịp cận Tết, thứ hai có thể do hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra. Đây là hiện tượng chỉ xảy ra trong mùa đông, có khả năng làm chất lượng không khí xấu đột ngột. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (trái với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao.BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, BV Phổi Trung ương cho biết, bụi trong không khí (dù vô cơ hay hữu cơ) đều có thể xâm nhập vào đường thở, hạt càng nhỏ thì càng vào sâu. Với kích thước hạt bụi PM 2,5 có thể đi thẳng vào máu và gây bệnh. Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Bụi từ các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Bụi từ các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Trong môi trường đô thị, bụi bao gồm bụi hữu cơ và vô cơ, nhất là bụi hữu cơ rất nhiều, nguyên nhân từ mật độ lớn các phương tiện giao thông ở đô thị. Nhiều tạp chất từ bụi loại này sẽ gây kích ức cho cơ thể, nhất là những người hay bị dị ứng, BS Hồng cho hay. Thực chất, loại bụi này hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại như chì…, lơ lửng trong không khí. Những chất này khi vào cơ thể còn gây ngộ độc cho cơ thể.
Theo khuyến cáo, khi chỉ số AQI từ 150 trở lên đã có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ. Còn nếu chỉ số AQI trên 300 khuyến cáo người dân không nên ra đường bởi chất lượng không khí như vậy cực kỳ nguy hại cho sức khoẻ , BS Hồng cảnh báo.
Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp khuyên, tốt nhất là khi chất lượng không khí suy giảm như hiện nay, những người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh hô hấp mạn tính, tim mạch và các bệnh nội khoa khác…. cần hạn chế tối đa việc đi ra đường. Nếu bắt buộc phải lưu thông trên đường, người dân cần trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang, kính…., chọn những thời điểm ra đường ít phương tiện giao thông. Kể cả việc tập thể dục buổi sáng thời gian này cũng không nên, BS Hồng cho biết. Những người mắc bệnh mạn tính kể trên cần phải quan tâm hơn tới sức khoẻ, nếu bệnh tái phát cần phải đi khám ngay.
Theo Sức khỏe & Đời sống
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm