Tin tức - Sự kiện

Hỗ trợ cho 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

62.000 tỷ từ ngân sách và nguồn tín dụng sẽ dành để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau. Khoảng thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng.

Hà Nội có thể kéo dài thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 / ĐH Bách Khoa Hà Nội miễn giảm học phí cho sinh viên trước tình hình dịch COVID-19

Sáng nay (8/4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Chính phủ để cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định sản xuất - kinh doanh, an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân. Đặc biệt, việc đưa ra các chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn đã thể hiện rõ hơn nữa tinh thần "không ai bị bỏ ở lại phía sau" của Đảng, Nhà nước.

Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng. Nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ, với các nguyên tắc như báo cáo của Chính phủ đã xác định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc tập trung hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng và hợp lý, công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ các tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục. Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách. Một số vấn đề liên quan đến việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo hay lao động tự do nên tính đến việc giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế để tự cân đối. Việc thực hiện chính sách tín dụng cần cân nhắc việc cho vay mà không có tài sản đảm bảo, tránh dẫn đến những rủi ro. Thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, nếu kéo dài cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các Bộ, ngành của Chính phủ để tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh nghị quyết để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật. Đồng thời, Chính phủ cần chuẩn bị những nội dung cần báo cáo về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua để báo cáo, xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm