Hơn 3.000 y bác sĩ, tình nguyện viên hỗ trợ Bình Dương chống dịch COVID-19
Bình Dương lập “chợ trời” bán nhu yếu phẩm cho người dân / Bình Dương lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do COVID-19
Tính đến ngày 27/7, Bình Dương đã nhận được sự chi viện, hỗ trợ của 25 đoàn của Bộ ngành, đơn vị và địa phương với hơn 3.000 cán bộ, chuyên gia, lực lượng vũ trang, đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Đã có hơn 3.000 cán bộ, chuyên gia, lực lượng vũ trang, đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên chi viện cho tỉnh Bình Dương phòng chống dịch COVID-19.
Thay mặt các đoàn công tác, TS. Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đề nghị tỉnh Bình Dương cần thành lập trung tâm điều phối nhân lực, trang thiết bị; rà soát sàng lọc nhằm phân bổ lực lượng y, bác sĩ, tình nguyện viên phù hợp đáp ứng cho công tác điều trị ở các địa phương, để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, lãng phí nguồn nhân lực.
Trong khi đó, đại diện đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, tại các doanh nghiệp cần nhanh chóng tách các F0 có triệu chứng đưa ngay đến nơi điều trị; đối với ca F0 không có triệu chứng sẵn sàng thu dung tại chỗ.
“Bình Dương cũng cần phân loại bệnh nhân trong điều trị, những trường hợp F0 không có triệu chứng nên tập trung về 1 khu điều trị để giảm tải cho lực lượng y tế; dành lực lượng để tập trung cứu chữa cho các ca nặng”, đại diện đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đề nghị.
Thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã cám ơn sự chi viện, hỗ trợ kịp thời về vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của các bộ ngành Trung ương, đơn vị và địa phương phục vụ cho công tác điều trị, phòng chống dịch COVID-19.
“Trong lúc khó khăn, việc tổ chức ăn ở, điều phối chắc chắn còn nhiều thiếu sót, Bình Dương tiếp thu những chia sẻ của các đoàn để từ đó khắc phục, điều chỉnh lại cách tổ chức cho khoa học, hiệu quả”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Thao, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bình Dương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ lực lượng điều trị, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo phương án tỉnh đề xuất cho 20.000 giường. Cụ thể, Bình Dương cần chi viện thêm 1.486 bác sĩ (trong đó, 300 bác sĩ hồi sức cấp cứu, hơn 1.186 bác sĩ đa khoa, nhi khoa) và 4.014 điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Bình Dương áp dụng “giới nghiêm” từ 18h ngày 28/7 Tối 27/7, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã ban hành văn bản yêu cầu, kể từ ngày mai (28/7), trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, người dân không được ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động. Các trường hợp được phép lưu thông, hoạt động trong khung giờ hạn chế: Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch, bệnh của cơ quan chức năng và các cán bộ, công chức giúp việc cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; lãnh đạo các sở, ngành; các cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài của tỉnh và của các cơ quan Thường trú của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, bệnh; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các nhà thuốc. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo