Khai giảng thời 5K và những đổi thay của năm học mới
Nhiều trường học gồng mình chống mưa lũ trước ngày khai giảng năm học mới / Những hình ảnh xúc động về lễ khai giảng đón "Rồng vàng" vào lớp 1
Covid-19 đã khiến buổi lễ này ở hầu hết địa phương trở nên ngắn gọn. Và rất nhiều học sinh sẽ khai giảng tại nhà, cùng với màn hình tivi, máy tính chứ không phải trên sân trường cùng bạn bè.
Ngày khai giảng năm nay không còn cảnh học sinh ngồi kín sân trường, với cờ hoa, với bóng bay... |
Điều này cũng bắt đầu cho những đổi thay của một năm học mới.
Khi “trực tuyến” sẽ là “dự bị thường trực”
Đi học “thời Covid”, từ học sinh tới giáo viên, từ phụ huynh tới nhà trường sẽ phải chuẩn bị những hành trang khác, tâm thế khác. Là những khẩu trang, nước sát khuẩn trong cặp sách, đến “tinh thần” luôn sẵn sàng học trực tuyến bất cứ khi nào.
Thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” sẽ là điều mà giáo dục phải “sống chung” và thích ứng.
Bộ GD-ĐT đã “dọn đường” để đưa học trực tuyến trở thành một phương pháp học chính thức được công nhận trong nhà trường. Một số địa phương, trường học cũng đã sẵn sàng cho việc triển khai học trực tuyến ngay từ những ngày đầu năm học nếu việc giãn cách xã hội được áp dụng.
Phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” sẽ được áp dụng, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.
Covid-19 khiến nhiều người nhận ra rằng, giáo dục trực tuyến không phải là một phiên bản thấp hơn của giáo dục trực diện. Việc học không chỉ diễn ra trong lớp học, giáo dục trực tuyến có nghĩa là học sinh có thể học từ bất cứ ai ở bất cứ đâu... Cả thầy, trò và phụ huynh sẽ cùng phải thay đổi để hợp tác hiệu quả.
Riêng đối với học sinh, học trực tuyến cũng là cơ hội để tự chủ hơn trong việc học tập, tự định hướng nhiều hơn...
Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An khẳng định “Muốn xã hội học tập, học tập suốt đời thì phải thông qua học trực tuyến chứ không phải lúc nào cũng có thể ngồi trên lớp để học được”.
Sách giáo khoa của tôi và sách giáo khoa của bạn
Năm nay, lần đầu tiên sẽ không chỉ một bộ Sách giáo khoa (SGK) xuất hiện trong các nhà trường.
Dù việc nhiều SGK mới bắt đầu triển khai ở lớp 1, nhưng đây là việc mà phải mất khá nhiều năm ngành giáo dục mới có thể hiện thực hóa.
Áp dụng vào đúng năm học "chưa từng có", các thầy cô giáo dạy lớp 1 có thể gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước, nhưng tín hiệu tích cực này cho thấy sự phát triển lên một bậc mới trong thang bậc đo về chất lượng giáo dục đại trà.
Phải nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 4,58. So với năm 2019, số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình của năm 2020 chiếm tỉ lệ cao hơn. Cụ thể, năm 2019 số thí sinh đạt điểm dưới hoặc bằng 5 chiếm 68,74%, năm 2020 là 63,13%.
Kết quả phân tích của Bộ GD-ĐT còn cho thấy điểm trung bình môn Tiếng Anh của học sinh học chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12) cao hơn so với điểm bài thi môn này của học sinh học chương trình môn Tiếng Anh hệ 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12) là 2 điểm.
Nhìn vào phổ điểm Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm gần đây thì đề thi dù được nhận xét khó hay dễ, tỉ lệ thí sinh điểm dưới trung bình vẫn cao và chưa có sự thay đổi rõ rệt.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2020-2021 mà Bộ GD-ĐT đưa hẳn thành một mục riêng trong Chỉ thị năm học mới là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh, ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.
Giáo viên tự thay đổi
Một năm học không còn như trước đòi hỏi giáo viên phải tự thay đổi.
Không chỉ đơn thuần là những bài giảng trên lớp, giáo viên sẽ còn phải tự đặt mình trong tâm thế của một nhân viên y tế - trang bị kiến thức, kỹ năng để bao quát sức khỏe học sinh trên lớp.
Giáo viên cũng phải nhanh chóng chuyển mình thích ứng với công nghệ, với những phương pháp dạy học mới phù hợp với “mùa dịch”.
Để "Tất cả vì học sinh thân yêu" trong bối cảnh này sẽ đòi hỏi tâm trí, thời gian, công sức mà các thầy cô dành cho mỗi giờ giảng, cho mỗi học trò nhiều hơn nữa.
Theo UNESCO, đại dịch Covid-19 khiến chúng ta đặt câu hỏi về một số giả định cơ bản về bản thân và cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta cần nền giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản, mà dẫn đến nhận thức, ý tưởng và hành động giúp chúng ta tiến tới phát triển bền vững.
Giáo dục vì sự phát triển bền vững, trao quyền cho người học để chuyển đổi bản thân và chuyển đổi xã hội. Sự chuyển đổi này cũng cấp thiết như phản ứng với Covid-19, chúng ta đừng lãng phí cơ hội này để thay đổi việc học và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam