Tin tức - Sự kiện

Lâm Đồng: 16 ngành hàng được khuyến khích phát triển

(DNVN) – Có 16 ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh Lâm Đồng đang khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Nông dân Đài Loan được ca ngợi trong vụ scandal 'dầu bẩn' / Nhiều nông sản Sơn La đã có “vé” xuất ngoại

Ngày 24/10, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, có quyết định phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp người nông dân Lâm Đồng bớt rủi ro trong vòng xoáy được mùa, mất giá (ảnh VH).

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp người nông dân Lâm Đồng bớt rủi ro trong vòng xoáy được mùa, mất giá (ảnh VH).

Theo đó, có 16 ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp được khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, gồm: Cà phê, chè, rau, hoa, nấm ăn và nấm dược liệu, cây ăn quả, cây dược liệu, dâu tằm tơ, lúa gạo, hạt điều (thuộc ngành hàng, sản phẩm trồng trọt); bò thịt, bò sữa, heo thịt, trứng và gia cầm, mật ong và sản phẩm từ ong nuôi (thuộc ngành hàng, sản phẩm chăn nuôi); và cá nước lạnh (thuộc ngành hàng, sản phẩm thủy sản).

Theo Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với sự tham gia của 75 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác và 12.570 nông hộ. Trong đó, có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm với diện tích sản xuất đạt khoảng 17.237ha, sản lượng tiêu thụ 415 nghìn tấn nông sản các loại.

Mục tiêu đến năm 2020, Lâm Đồng phát triển thêm 30 chuỗi liên kết, gồm 6 chuỗi cấp tỉnh và 24 chuỗi cấp huyện. Riêng trong năm 2018, với hơn 11,7 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ, Lâm Đồng đã phân bổ cho các dự án liên kết lập thuyết minh, phê duyệt danh mục để triển khai.

Được biết, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 183 hợp tác xã nông nghiệp với 5.994 thành viên và 249 tổ hợp tác với 5.401 tổ viên. Hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Nhờ vậy doanh nghiệp thu mua nông sản được ổn định và hạn chế được rủi ro do biến động giá cả thị trường.

 

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm