Lao động di cư ra nước ngoài: Làm sao để tránh rơi vào các “cạm bẫy”?
Đà Nẵng: Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức gây cản trở giải ngân vốn đầu tư công / Vĩnh Long: Trình diễn khinh khí cầu trong ngày hội du lịch lớn nhất trong năm
Ngày 18/12 hàng năm được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Người di cư, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang là quê hương của gần một nửa dân số của thế giới và là nguồn cung cấp nhân lực lớn trên toàn cầu. Năm 2020, 83 triệu người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã rời quê hương của họ để di cư vì những mục đích khác nhau như lao động, du học, hôn nhân... tương đương với 30% tổng số người di cư trên toàn thế giới. Điều đó cũng cho thấy vai trò củangười lao độngdi cư đối với sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang dần trở thành một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng người di cư, khi mà đất canh tác ngày càng ít đi và điều kiện thời tiết, khí hậu gây ra nhiều bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang tạo ra nhiều cơ hội về di cư hợp pháp để bổ sung lực lượng lao động bị thiếu hụt. Còn với những quốc gia nguồn, nơi các lao động di cư rời đi, những người lao động đilàm việc ở nước ngoàicũng có nhiều đóng góp tích cực.
Những làng như phố
Trở về sau 10 năm làm việc ở nước ngoài, anh Nguyễn Tiến Dũng (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) đã xây được nhà mới khang trang với các vật dụng giá trị. Không chỉ tận hưởng cuộc sống dư dả, anh còn có kế hoạch lập nghiệp ngay tại quê nhà.
Với anh Nguyễn Ngọc Thức (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) - một lao động đã có thời gian 5 năm làm việc tại Đài Loan, Trung Quốc, khi về nước tận dụng số vốn tích lũy được cộng với tay nghề và kinh nghiệm sẵn có anh mở xưởng nhôm kính sản xuất tạo công ăn việc làm cho hơn 10 người ở địa phương.
Tại xã Vĩnh Lại giờ đây có nhà tầng san sát như phố thị, nơi mà chỉ chục năm trước nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo của Phú Thọ.
Hiện nay, Vĩnh Lại có hơn 10% dân số đang làm việc ở nước ngoài. Nếu tính cả những người đã từng đi làm việc ở nước ngoài thì con số này lên tới 50%. Họ chính là những người đã đưa nhiều cải tiến, ý tưởng mới vào phát triển kinh tế địa phương.
Tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, Phú Thọ giờ đây có nhà tầng san sát như phố thị.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng trên 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với thu nhập hàng năm vào khoảng 3 - 5 tỷ USD.
Cụ thể, tại Hàn Quốc có khoảng 50.000 lao động Việt Nam. Tại Đài Loan (Trung Quốc) là khoảng 260.000. Tại Nhật Bản, khoảng 250.000 thực tập sinh kỹ năng và lao động Việt Nam đang làm việc. Đây cũng là những thị trường chính mà lao động Việt Nam đang làm việc và đã bổ sung một nguồn nhân lực rất quan trọng cho các quốc gia và vùng lãnh thổ này.
Ngoài ra, lao động Việt Nam còn đang được chào đón tại một số quốc gia tại châu Âu như Đức, Ba Lan, Hungary, Rumani, Bungari, Slovakia... với khoảng 10.000 người.
Cạm bẫy "việc nhẹ lương cao"
Những con số trên cho thấy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, khi mà nền tảng trực tuyến trở thành một kênh ngày càng phổ biến để tìm kiếm cơ hội việc làm thì mặt trái công nghệ chính là tạo điều kiện cho những đối tượng mua bán người dễ dàng tiếp cận nạn nhân hơn.
Lao động không có trình độ chuyên môn hoặc trình độ thấp đã trở thành mục tiêu của những kẻ buôn lậu và các đối tượng mua bán người có hoạt động tội phạm xuyên quốc gia.
Một người cho biết, anh cùng những người đồng hương ra nước ngoài làm việc theo những thông tin trên mạng xã hội. Đi làm phụ bếp 26 triệu đồng/tháng, hoặc nhân viên đánh máy tính sẽ được đặt vé máy bay, làm hộ chiếu và đóng visa du lịch.
Rời những miền quê, nhiều người lao động hy vọng có thu nhập cao hơn để lo cho gia đình. Họ tin theo những lời hứa của các đối tượng, thậm chí chỉ qua mạng xã hội và bước vào một hành trình đầy may rủi.
Người lao động sẽ được đào tạo để làm thuê cho các băng nhóm lừa đảo do những người nước ngoài cầm đầu. Dùng chính đồi tượng người Việt Nam dụ dỗ và lừa người Việt Nam là cách thức của nhóm đối tượng người nước ngoài.
Những công việc người lao động sẽ làm như: Nhóm nhân sự, tuyển dụng; Nhóm gọi điện tư vấn cho khách hàng (mỗi ngày 600 - 800 cuộc gọi từ 1 danh sách có sẵn); Nhóm chăm sóc khách hàng; Nhóm câu khách, đàm phán tiền nong; Nhóm xuất nhập khoản, tức là nộp tiền vào tài khoản.
Theo các đối tượng đóng vai trò môi giới, làm việc nào cũng đều có chỉ tiêu, làm sao càng lừa được nhiều tiền càng tốt.
Một trong những đối tượng môi giới lao động Việt Nam ra nước ngoài cho biết, với mỗi người lao động đưa sang, đối tương nhận 5 triệu đồng.
Theo điều tra của công an, người lao động khi sang ban đầu kí hợp đồng 1 năm với các công ty. Khi chưa làm hết hợp đồng phải nộp phạt từ 200 - 300 triệu đồng mỗi người nếu muốn về nước. Ngoài ra còn cần thêm 50 triệu đồng là chi phí để trở về Việt Nam vì tất cả các giấy tờ của người lao động đều không hợp pháp.
Khuyến cáo với những người có ý định đi lao động tại nước ngoài
Theo đại diện Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến người lao động di cư trở thành nạn nhân của bẫy "việc nhẹ lương cao" chính là thiếu thông tin.
Bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam khuyến cáo: "Nói về những thủ đoạn lừa đảo lao động di cư để có thể bóc lột sức lao động của họ thì hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch dân số, hay những sự thay đổi về thời đại số sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng người di cư, đặc biệt là các bạn trẻ. Trong các đối tượng người di cư, các bạn trẻ, sinh viên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vì các bạn ấy chưa đủ kiến thức, nên đôi khi dễ bị rơi vào bẫy lừa đảo. Cho nên tôi luôn luôn có lời khuyên cho các bạn trẻ là nếu như có lời hứa hẹn nào quá hoa mỹ thì đừng tin, vì nó không phải là sự thật.
Trong biển thông tin mà các bạn có, tôi khuyến khích các bạn lúc nào cũng phải cố gắng học tập, kiểm chứng các nguồn thông tin. Và một lời khuyên nữa là tất cả tin tức chính thống đều được đăng trên các trang web như dolab, IOM, các Đại sứ quán các nước. Tôi khuyến khích các bạn trước khi đưa ra bất kỳ quyết định di cư nào, các bạn cần lên trên web, nghiên cứu các thông tin đấy, kiểm tra thông tin vì chỉ có những thông tin đấy mới giúp các bạn có thể di cư an toàn".
Kỹ năng cho lao động trẻ khi di cư
Tại Tọa đàm "Hộ chiếu tới tương lai, tạo thay đổi tích cực và vun đắp cơ hội cho thanh niên" vừa diễn ra, nhiều khuyến cáo dành cho những người đang có mong muốn lao động di cư, đặc biệt là thanh niên, sinh viên cũng đã được đưa ra.
Đại diện Trung ương đoàn đưa ra đề xuất, các bộ ban ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hay đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ tạo môi trường, cơ hội để thanh niên được rèn luyện, nâng cao kỹ năng tiếp cận thông tin di cư an toàn.
Đại diện Tổ chức Di cư quốc tế IOM cho rằng, giới trẻ cần được trang bị kiến thức và kỹ năng mới, để tự định hướng trong thời đại số và toàn cầu hóa.
Đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện Đại sứ quán... của những nước có nhiều người Việt Nam đang làm việc đề xuất cần có nhiều hơn nữa khóa học kỹ năng cho các bạn trẻ. Đặc biệt là không chỉ hỗ trợ khi lao động di cư, mà còn hỗ trợ lao động khi quay trở về.
Để tìm hiểu thông tin đi lao động nước ngoài, mọi người có thể tham khảo trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trên website này có danh sách tất cả các doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, tên những doanh nghiệp bị đình chỉ; các hợp đồng cung ứng nhân lực mà các doanh nghiệp đăng ký với Cục quản lý lao động ngoài nước. Ngoài ra, có rất nhiều thông tin về các thị trường lao động mà Việt Nam đang hợp tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Đức…
Chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho lao động di cư
Việc nâng cao chất lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài đang ngày càng được chú trọng. Ngoài đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ, các doanh nghiệp giờ đây cũng trang bị cho người lao động cả những kỹ năng mềm cần thiết.
Tại một công ty đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản, không chỉ học tiếng Nhật sao cho thành thạo, những lao động này còn được học văn hóa Nhật như trà đạo, các thói quen của người Nhật… để có thể hòa nhập với người dân bản xứ tốt hơn.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài hầu hết xuất thân từ vùng nông thôn, chưa quen với tác phong công nghiệp. Do đó, bên cạnh việc đào tạo tay nghề cho người lao động, công ty cũng chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm giúp họ nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới và có thể thương lượng được mức lương cao hơn.
Chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài đang từng bước được cải thiện. Nếu như cuối năm 2003, số lượng lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài mới đạt khoảng 35% thì đến nay tỷ lệ này đã đạt trên 50%.
Chú trọng vào chất lượng giúp các công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khẳng định được uy tín với đối tác. Từ đó, người lao động sẽ được nhận các công việc có vị trí và mức lương cao hơn. Đây cũng là mục tiêu mới của việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Để giải quyết những vấn đề thách thức của di cư, năm 2018, Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận. Đây là bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về di cư, thể hiện cam kết và trách nhiệm trong việc duy trì, củng cố môi trường di cư minh bạch, an toàn, vì sự phát triển bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Kỳ tích bệnh nhân hồi tỉnh sau 80 ngày sống thực vật
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại