Tin tức - Sự kiện

Linh hoạt chính sách tài chính-tín dụng giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Trong năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, bùng phát ở nhiều địa phương, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, thử thách sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân….

Ngày 13/11, thêm 8.497 ca mắc COVID-19 mới / Quốc hội đồng ý cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và TT- Huế

Để đối phó với dịch bệnh chưa có tiền lệ này, nhiều biện pháp tài chính-tiền tệ chưa có tiền lệ cũng được gấp rút triển khai. Đặc biệt, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động.

Những giải pháp tài chính-tín dụng đã và đang tạo cộng hưởng tác động tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Về huy động tài chính, cả nước tích cực huy động các nguồn tài chính, trang thiết bị từ nguồn ngân sách nhà nước, vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ các nước cho công tác phòng, chống dịch. Kinh phí ngân sách nhà nước đã cấp thực hiện phòng chống dịch COVID-19 là 30.489,78 tỷ đồng; Các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã thực hiện hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng; các tổ chức, Chính phủ các nước đã tài trợ khoảng 20 triệu USD.

Về chính sách thuế và tài chính khác, Chính phủ cho phép coi khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Điều chỉnh giảm thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Dự kiến cả năm 2021, các cấp, các ngành thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí với tổng số tiền khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2021 đã miễn, giảm, giãn gần 93,1 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, gồm: 78,5 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; 14,6 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Trong tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp với quy mô khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục ban hành, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, nhóm yếu thế.

Theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 28/9/2021, cả nước đã thực hiện hỗ trợ cho 18,1 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí trên 14,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho vay 441,4 tỷ đồng để trả lương cho 127.000 lượt người lao động. Từ tháng 10/2021, khoảng 38.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được chi hỗ trợ cho trên 12,8 triệu người lao động và 386.000 người sử dụng lao động.

Về chính sách tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ ngày 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng; lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng; đồng thời, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 258.947 khách hàng với dư nợ 6.063 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.505.557 ​khách hàng với số tiền 129.758 tỷ đồng. Đối với việc thực hiện tái cấp vốn dành cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người lao động theo các Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 08/11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 749,52 tỷ đồng để cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền 750 tỷ đồng đối với 1.449 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 209.280 lượt người lao động.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gần 26.000 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến; Như: Giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; miễn, giảm phí chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; giảm 50% phí chuyển mạch ATM/POS và 75% phí chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng 24/7, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 1.453 tỷ đồng; miễn phí chuyển tiền và ứng dụng công nghệ tạo thuận tiện cho việc chuyển tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; miễn phí các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Chính sách xã hội khi chuyển tiền cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất); giảm lãi suất cho vay, theo đó đã giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; miễn, giảm phí chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; giảm 50% phí chuyển mạch ATM/POS và 75% phí chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng 24/7, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 1.453 tỷ đồng…

Chính phủ đã ban hành cơ chế cho vay tái cấp vốn để tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn tái cấp vốn tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 02 lần, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn không vượt quá 03 năm. Trong đó đã hoàn thành xong việc tái cấp vốn cho Seabank tối đa 2.000 tỷ đồng, MSB tối đa 1.000 tỷ đồng, SHB tối đa 1.000 tỷ đồng. Đến nay, 03 tổ chức tín dụng đã cho vay VNA tổng số tiền 4.000 tỷ đồng; SCIC đã đầu tư 6.895 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNA phát hành thêm cho cổ đông nhà nước.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ giảm giá điện (khoảng 4.500 tỷ đồng), giảm tiền nước, dịch vụ viễn thông, Internet (khoảng 10.000 tỷ đồng)…

Đến ngày 13/9/2021, Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch gần 4,4 nghìn tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa. Tiếp tục cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021; ban hành Nghị quyết của Chính phủ chỉ đạo chung hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 để triển khai, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thiểu số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Chính phủ cũng đã ban hành chính sách về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiêm phòng miễn phí cho toàn dân trên cả nước…

Những giải pháp tài chính-tín dụng trên đã và đang tạo cộng hưởng tác động tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn…/.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm