Doanh nghiệp tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn đứng trước cơ hội lớn
Hỗ trợ 105 doanh nghiệp tăng cường năng lực kinh tế tuần hoàn / Góp phần gỡ “nút thắt” về tái chế trong kinh tế tuần hoàn
Theo GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, việc ứng dụng KTTH gắn với phát triển bền vững được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước. Đề án Phát triển KTTH của Chính phủ cũng đang hướng tới mục tiêu thúc đẩy mô hình KTTH, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 lần đầu tiên quy định KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường. Tư duy về KTTH cũng được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch chi tiêu công xanh, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, phát triển ngành công nghiệp môi trường và dịch vụ môi trường.
Doanh nghiệp đã nhận thức tầm quan trọng của KTTH, đã áp dụng nhiều mô hình mang lại kết quả to lớn tại các ngành sản xuất dịch vụ, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Mại, Việt Nam là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp nên gặp khó khăn khi chuyển sang KTTH. Đó là nhận thức của lãnh đạo cơ quan Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng dân cư về sự cần thiết chuyển đổi sang mô hình KTTH chưa đồng đều, một bộ phận không quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Thể chế, chính sách phát triển KTTH chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy mô hình này phát triển, thiếu các chế tài khen thưởng, xử phạt đối với doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH của Nhà nước, doanh nghiệp còn hạn chế.
“Còn ít doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng. Doanh nghiệp khó thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội. Mặc dù coi trọng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, nguồn lao động chất lượng cao nhưng đại bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ứng phó với khó khăn hàng ngày nên dù muốn cũng không có đủ điều kiện để chuyển sang KTTH”, ông Mại khẳng định.
Để thúc đẩy KTTH, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi đối với KTTH. Doanh nghiệp phải là động lực quan trọng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và người dân tham gia thực hiện.
Ông Mại dẫn lại ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho rằng, KTTH là mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, giữ địa vị chủ đạo trong chiến lược phát triển đất nước, do đó nên xây dựng Luật KTTH với chính sách khuyến khích phát triển các mô hình KTTH trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Cần xác định vai trò trung tâm của doanh nghiệp, tạo điều kiện để tiếp nhận các dự án đầu tư mới, chuyển đổi doanh nghiệp hiện hữu sang KTTH với chính sách ưu đãi cao về các loại thuế, tài trợ của Nhà nước, tín dụng ưu đãi lãi suất thấp có sự hỗ trợ của Chính phủ. Nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện vốn, công nghệ, nhân lực khi thực hiện mô hình tăng trưởng mới.
Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với nghiên cứu và phát triển, tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Doanh nghiệp phải giải bài toán lợi ích ngắn hạn hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng xây dựng và phát triển mô hình KTTH không chỉ mang lại lợi ích thiết thực, rõ ràng cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Đặc biệt việc giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất sẽ góp phần hiện thực cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
“Mô hình KTTH đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà chúng ta còn khuyến khích các tập đoàn lớn của Việt Nam trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực, tiến tới nằm trong Top 500 tập đoàn hàng đầu của thế giới. Tôi tin rằng những mô hình doanh nghiệp tiên phong phát triển KTTH sẽ có có cơ hội biến khát vọng lớn thành hiện thực”, ông Mại nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo