Môi trường

Sông Cổ Chiên "nổi giận”, cảnh báo nguy cơ thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long

DNVN - Vụ sạt lở kinh hoàng vừa xảy ở Cù lao Minh khiến 13 căn nhà và hàng chục ha đất của người dân bị sông Cổ Chiên cuốn trôi. Tình trạng này ngày càng trầm trọng, cảnh báo nguy cơ thiên tai chực chờ ập đến trên những dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự kiến đầu tư 460.000 tỷ đồng phát triển đồng bằng sông Cửu Long / Đồng bằng sông Cửu Long: Triển khai kịch bản "ăn chắc" vụ lúa thu đông 2022


Hiện trường vụ sạt lở ở Cù lao Minh khiến nhà cửa, đất đai của người dân bị sông Cổ Chiên cuốn trôi.

Mất Tết

Vụ sạt lở kinh hoàng vừa xảy ra cách đây vài ngày ở Cù lao Minh (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho đến nay, đã nhấn chìm phần đất của người dân đang sinh sống và canh tác với chiều dài khoảng 350m, rộng khoảng 160m, tổng diện tích ước sạt lở khoảng 41.516m2, trong đó phần đất bãi bồi ước khoảng 2.600m2.

Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 22 hộ với 109 nhân khẩu. Trong đó có 13 căn nhà bị nước nhấn chìm hoàn toàn, 2 ao nuôi cá, 10 hecta đất vườn cây ăn trái. Ước tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.

Sau khi sự cố sạt lở xảy ra, người dân ở xã Hòa Ninh vẫn còn bàng hoàng sợ hãi. Nhiều nhân khẩu khác đang phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” sau cơn “nổi giận” của sông Cổ Chiên, đã lấy đi tất cả nhà cửa, vườn tược và tài sản của bà con.

Trong khi đó, Tết Nguyên đán đã gần kề bỗng dưng tai họa ập tới, tất cả nhà cửa và tài sản bị nhấn chìm trong dòng nước xoáy. Đó là tình cảnh của 13 hộ dân sống trên Cù lao Minh trong lúc này.

Anh Võ Minh Thảo (ngụ địa phương), chưa hết bàng hoàng, nghẹn ngào kể lại: "Tôi vừa phát hiện là sụp một cái đã tới nhà mình, nước tràn vô mấy hầm cá. Chỉ kịp chạy vô lấy giấy tờ chạy ra là cái sân bị sụp. Mấy mươi năm vun vén nhưng không ngờ, chỉ vỏn vẹn mấy chục phút, tất cả tài sản tích cóp đã bị sụp đổ xuống sông”.

Anh Thảo mất toàn bộ ngôi nhà và mảnh vườn, ở vị trí sạt lở, giờ chỉ còn nhìn thấy những cây dừa cao 4m lộ phần ngọn giữa dòng nước đục. Nhiều khu vườn trồng xoài, trồng nhãn, chôm chôm của anh vun vén mấy chục năm nay và hàng chục tấn cá để chờ cung ứng tết cùng tất cả tài sản tích cóp chục năm đã bị sụp đổ xuống sông chỉ vỏn vẹn mấy chục phút.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Kim Tươi (50 tuổi, ngụ địa phương) có hơn 4,5 công đất trồng nhãn xuồng và 2 căn nhà của bà và mẹ chồng. Hiện tại đã có 1 căn tuột xuống sông, căn còn lại sắp mất và hơn phân nửa diện tích đất vườn cũng trôi theo dòng nước sông Cổ Chiên.

“Hôm qua, nghe sạt lở ầm ầm, tôi chạy về xem nhà mình ra sao thì thấy căn nhà răng răng, rồi người ta lùa đi hết khỏi khu vực nguy hiểm. Chừng 3 - 4 tiếng sau thì mười mấy căn nhà đi sạch xuống sông. Nhà mẹ chồng tôi cũng rơi xuống sông luôn, không còn gì hết", bà Tươi nhớ lại.

Vụ sạt lở

Ông Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long trao tiền hỗ trợ người dân.

Sau vụ việc, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã cùng đoàn công tác có buổi khảo sát thực tế điểm sạt lở. Sau buổi khảo sát, đoàn đã nghe các ngành chuyên môn báo cáo tình hình nguyên nhân ban đầu. Tại đây, ông Nguyễn Văn Liệt yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn người đi vào khu vực nguy hiểm sạt lở, rà soát thiệt hại để lên phương án hỗ trợ.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu địa phương xem xét hộ nào trong diện đủ điều kiện tái định cư thì cấp đất ngay, đủ điều kiện xây nhà thì xây ngay, không để người dân chờ đợi, giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

Nghi khai thác cát?

Người dân địa phương nghi ngờ vụ sạt lở kinh hoàng có một phần của việc khai thác cát quá mức. Ông Trần Văn Dũng (54 tuổi, ngụ địa phương) nói: “Ban đầu việc khai thác cát có nghỉ một thời gian, khoảng 4 - 5 tháng nay bắt cạp trở lại. Từ đó sà lan đậu đầy khúc sông này”.

“Trước lúc sạt lở có thấy xáng cạp hoạt động sát bờ quá nên người dân có phản ứng, sau đó họ mới dời ra giữa sông”. Ông Nguyễn Thế Hùng (69 tuổi), người bị mất trắng 12 công vườn và căn nhà tiếp lời.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chiến - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản - Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long) cho biết, khu vực này không cấp phép mỏ cát cho bất kỳ đơn vị nào, chỉ có một mỏ cát của doanh nghiệp tư nhân nằm về phía hạ lưu sông Cổ Chiên 500m đã gần hết hạn khai thác. Đơn vị cũng không thực hiện thủ tục gia hạn theo quy định nên sở sẽ tham mưu UBND tỉnh cho dừng hoạt động ngay.

Vụ sạt lở

Vụ sạt lở khiến 13 căn nhà và khoảng 10 ha đất vườn bị nhấn chìm dưới sông Cổ Chiên.

Nói về vụ sạt lở, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Vĩnh Long cho biết, chưa thể đánh giá vụ sạt lở nói trên, bởi trường hợp sạt lở này rất đặc biệt, khác hơn những trường hợp khác. Thường sạt lở bắt đầu từ ngoài vào trong, tuy nhiên qua khảo sát thực tế cùng đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thì trường hợp này là sụp từ trong, nguyên hàng cây bần và bãi bồi bên ngoài vẫn còn.

Theo ông Hiếu, dựa trên nghiên cứu chung của các nhà khoa học về các tuyến sông ở Vĩnh Long, việc sạt lở bờ sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong đó cũng có nguyên nhân khai thác cát. Riêng trường hợp sạt lở này chưa thể đánh giá nguyên nhân, phải chờ đánh giá từ đơn vị khoa học để có giải pháp tiếp theo khắc phục.

Liên quan đến việc này, phía UBND tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu công an tỉnh kết hợp kiểm tra, tăng cường xử lý cát lậu. Ngày 7/2 vừa qua, Sở TN&MT cũng đã trình UBND tỉnh cho dừng mỏ cát tư nhân Huỳnh Phát trên.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng) thuộc Tổ 9, Tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh. Quyết định nêu rõ công bố tình huống khẩn cấp với mức độ sạt lở nguy hiểm.

Không phải chuyện lạ

Sau buổi khảo sát, ông Văn Hữu Huệ - Phó giám đốc NN&PTNT Vĩnh Long nhận định, đây là vụ sạt lở rất kỳ lạ, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Hiện tại, khu đất đang còn dấu hiệu sạt lở tiếp nên để vài ngày ổn định, sở mới tham mưu UBND tỉnh thuê đơn vị độc lập khảo sát địa chất tìm nguyên nhân.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định với báo chí rằng, vụ sạt lở ở Cù Lao Minh dù rất kinh hoàng vì chỉ xảy ra trong vài giờ, không có dấu hiệu cảnh báo trước đó như sự xuất hiện vết nứt chẳng hạn và diện tích đất bị sạt lở là lớn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng cũng nằm trong quy luật chung chứ không có gì kỳ lạ.

Sạt lở

Căn nhà đang nằm ngay khu vực bị sạt lở có nguy cơ bị nhấn chìm.

Theo ông Thiện, rất có thể đáy sông nơi này đã bị sâu thêm dần dần trong một thời gian dài do vật liệu bị trôi xuống hố sâu khai thác cát. Ở nơi này có thể đường tim sông bị đẩy sang phía bờ bắc sông Cổ Chiên. Theo đó, một hàm ếch rất lớn (dài đến 500m, rộng 200m) đã âm thầm ăn sâu vào bờ mà người sống phía trên hoàn toàn không hay biết. Đến khi điểm cân bằng lực đã bị phá vỡ, bờ sông không thể chống đỡ được sức nặng khối đất bên trên thì toàn bộ khối đất tuột xuống đáy sông.

Ông Thiện cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở ĐBSCL hiện nay là thiếu phù sa và cát. Do các đập thủy điện chặn cát và phù sa ở thượng nguồn sông Mê Kông. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát cho nhu cầu đô thị, giao thông. Nguyên nhân gốc vẫn còn thì hệ quả sẽ vẫn còn tiếp diễn. Muốn hạn chế sạt lở, chính quyền các tỉnh phải có giải pháp toàn diện hơn cho ĐBSCL.

“Tình hình sạt lở bờ sông ở ĐBSCL sẽ còn tiếp diễn và sẽ không có biện pháp nào ngăn chặn được tình hình này vì nguyên nhân chính là thủy điện chặn cát, phù sa và việc khai thác cát vẫn còn tiếp diễn. Trong tình hình đó, để tránh thiệt hại thì các cơ quan chức năng cần kịp thời cảnh báo người dân những nơi có nguy cơ sạt lở cao để giảm thiệt hại”, ông Thiện lưu ý.

Dù là nguyên nhân vẫn còn đang được ngành chức năng tìm hiểu nhưng với diễn biến khó lường, người dân cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở rải rác nhiều nơi trên những dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở kinh hoàng tại Cù lao Minh đã cảnh báo nhiều kịch bản thiên tai đang chực chờ, có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm