Nâng hạng thương hiệu quốc gia Việt Nam cách gì?
Động lực tăng trưởng kinh tế / Hành trình 20 năm chính sách tín dụng kiến tạo no ấm - Bài cuối: Linh hoạt, gắn liền với thực tiễn
Nâng cao giá trị thươnghiệu - câu chuyện không dễ dàng
Theo Brand Finance - tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, Việt Nam là nhóm các nước có thương hiệu mạnh, tăng từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD trong hai năm qua và là điểm sáng trong bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.
Thật là một chặng đường dài đầy thử thách để doanh nghiệp Việt vươn lên phạm vi toàn cầu và tăng trưởng về mặt giá trị thương hiệu với tốc độ tăng trưởng thần kỳ nhanh nhất thế giới như vậy.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập toàn cầu nên khó tránh với nhiều biến động lớn trên thế giới. Tuy vậy, Việt Nam vẫn vươn lên tỏa sáng để được mức tăng trưởng GDP ấn tượng, tốc độ hồi phục kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều kết quả khả quan.
Ngoài ra, trong khi phần lớn các nước châu Á bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm (XHTN), Việt Nam vẫn tăng bậc, tiệm cận "Mức đầu tư" theo đánh giá của 3 tổ chức CRA hàng đầu thế giới - S&P, Moody's và Fitch. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến tỏa sáng cho câu chuyện tăng trưởng không ngừng về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, cũng như tăng trưởng về thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Việc gia tăng giá trị thương hiệu Việt Nam cũng cho thấy một bức tranh lạc quan về nhận diện thương hiệu. Nhưng uy tín, chất lượng, năng lực của một thương hiệu không chỉ được định giá từ góc nhìn của doanh nghiệp mà còn là sự hài lòng của cộng đồng người tiêu dùng. Do vậy, để nâng tầm vóc thương hiệu Việt là một điều không dễ dàng trong bối cảnh cạnh tranh và liên tục thay đổi như hiện nay.
Các doanh nghiệp Việt cần chủ động cải tiến quy trình cập nhật công nghệ kỹ thuật hiện đại, sáng tạo, đổi mới không ngừng để mang lại những sản phẩm chất lượng và uy tín nhất cho thị trường người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, lan tỏa giá trị thành công doanh nghiệp đến sự hài lòng của khách hàng, xứng đáng danh xưng "Hàng Việt Nam - Chất lượng cao".
Những điều làm nên Thương hiệu quốc gia
Đạt được thành tựu thăng bậc Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, cũng như thăng bậc XHTH trong năm 2022 là một niềm tự hào và vinh danh lớn của một quốc gia. Để đạt được những điều trên thì có nhiều sự đóng góp không ngừng từ nhiều phía.
Thứ nhất, một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy hiệu quả về sản xuất, điều hành và phát triển tối đa về năng lực cạnh tranh, đổi mới không ngừng về năng lực sản xuất.
Thứ hai, doanh nghiệp đầu tư theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chú trọng nhiều hơn tăng cường chất lượng kể cả nội dung và hình thức, nâng cao nhận dạng thương hiệu qua các chiến lược truyền thông, cũng như định hướng trọng tâm sang hướng phát triển bền vững, lan tỏa giá trị đến cộng đồng người tiêu dùng.
Thứ ba, chính sách ưu tiên về tài lực và nhân lực như ưu tiên nguồn vốn để doanh nghiệp vừa và nhỏ yên tâm sản xuất kinh doanh, cũng như thu hút dòng vốn FDI cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực để đẩy mạnh quá trình đổi mới toàn diện, góp phần thúc đẩy tạo nên những nhân tố mới thúc đẩy cho tiến trình thăng hạng "Thương hiệu quốc gia".
Một yếu tố không thể không đề cập, đó là những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh xây dựng "Thương hiệu quốc gia" của Chính phủ hằng năm như giảm tải khó khăn hành chính - sự nghiệp, tạo nền tảng phát triển công bằng giữa các doanh nghiệp bằng cách chống độc quyền nhóm, cũng như có những chính sách ưu đãi đặc biệt ban đầu về thuế suất cho các doanh nghiệp Việt, tạo tiềnđề cho sự phát triển, nâng tầm giá trị về sau.
Tiếp tục nâng hạng - cách gì?
Giá trị thương hiệu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo, bởi thành công tăng trưởng về kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với sự tăng trưởng vĩ mô, sự ổn định của bậc XHTN nền kinh tế thị trường tài chính Việt Nam. Nếu bậc XHTN Việt Nam được giữ vững hoặc nâng bậc XHTN sang "Mức đầu tư", sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam sang nền kinh tế thị trường mới nổi trong tương lai không xa.
Ngoài ra yếu tố vi mô cũng đến từ nội tại doanh nghiệp để tạo nên uy tín, năng lực, xây dựng niềm tin vào thương hiệu đó chính là những đổi mới mang tính sáng tạo mang hơi thở của công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường chất lượng sản phẩm và dịch vụ hướng đến sự hài lòng cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo chiều hướng ngược lại, nếu những nội tại vĩ mô và vi mô như những điều kiện trên không được phát huy một cách hiệu quả, qua các bài học thực tiễn từ các quốc gia trong khu vực thì Thương hiệu quốc gia, cũng như uy tín sức mạnh của quốc gia sẽ khó mà tiếp tục được nâng hạng cao hơn hiện nay. Chủ yếu bởi vì khi xếp hạng Thương hiệu quốc gia, cũng như XHTN trên trường thế giới thì bậc xếp hạng càng cao càng yêu cầu khắc khe hơn về tiêu chuẩn chung, cũng như chúng ta phải hoàn thiện và phát triển hơn chất lượng dịch vụ sản phẩm, đổi mới hoàn thiện không ngừng để thương hiệu Việt có thể phát triển tiềm năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhiều hơn nữa.
Mối quan tâm hiện nay của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đó là vấn đề vốn. Thị trường vốn đang là một rào cản lớn cho sự phát triển và nâng cao năng lực ổn định phát triển trong ngắn hạn. Bởi hiện nay dòng vốn đến từ ngân hàng bị tắc nghẽn bởi hết "room" tín dụng, thị trường cổ phiếu mang tính đầu cơ nhiều bất ổn, các kênh huy động trái phiếu với nhiều vi phạm vừa qua đang dần mất niềm tin của nhà đầu tư…
Do vậy, nguồn vốn ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 đang trong tình trạng khó khăn.
Về bản chất, trong ngắn hạn, thị trường vốn sẽ gặp nhiều thách thức để doanh nghiệp có thể duy trì được sự phát triển năng lực sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ, nhưng trong dài hạn như "quy luật chọn lọc tự nhiên", thị trường sẽ dần thích nghi, "sau cơn mưa, trời lại sáng".
Để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn, thị trường tài chính cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể có những chính sách linh hoạt về Thông tư, Nghị định điều tiết phù hợp với hoàn cảnh thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất, tạo ổn định công việc cho người lao động trong bối cảnh khó khăn về thị trường vốn từ các kênh huy động trái phiếu và cổ phiếu hiện nay.
Còn về phía ngân hàng, cần tạo thanh khoản cho thị trường vốn cho các doanh nghiệp với chất lượng tín dụng tốt, đảm bảo năng lực và nguồn thu hoàn trả nghĩa vụ nợ trong tương lai. Về dài hạn, tiến trình "thanh lọc" thị trường, chống tham nhũng, tiêu cực trong sai phạm kinh tế là một bước đi quan trọng. Nhưng như một quy luật thị trường, mọi tiến trình cần được tiến hành theo một lộ trình hợp lý, chuyên nghiệp và định hướng rõ ràng theo chính sách pháp luật, để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực, tránh một vài cá nhân ảnh hưởng chung đến toàn bộ doanh nghiệp như "một con sâu làm sầu nồi canh". Bởi thị trường tài chính bị ảnh hưởng đáng kể bởi yếu tố tâm lý hành vi và hiệu ứng Domino lan rộng của hệ thống tài chính - ngân hàng.
Do vậy sự linh hoạt trong hỗ trợ kịp thời dòng vốn ngắn hạn và việc xử lý nghiêm những sai phạm đảm bảo minh bạch thị trường trong dài hạn nên cùng song hành để đảm bảo tăng trưởng tốc độ phát triển thần kỳ của nền kinh tế Việt Nam, nâng cao uy tín chất lượng của thương hiệu Việt cũng như nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Chính phủ, doanh nghiệp.
Phùng Xuân Minh,
Chủ tịch Công ty Saigon Ratings - chuyên gia về xếp hạng tín nhiệm
End of content
Không có tin nào tiếp theo