Tin tức - Sự kiện

Ngân hàng tìm cửa hút tiền, người gửi 10 triệu đồng đã nhận lãi 8,4%/năm

Không chỉ dừng lại ở cuộc đua lãi suất tiền gửi, ngân hàng có nhiều cách hút tiền, mới đây nhất có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, có nơi gửi 10 triệu nhận lãi suất 8,4%/năm.

Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất có ý nghĩa quan trọng trong sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai / Đà Nẵng: Xử lý 4 doanh nghiệp trong các KCN vi phạm về môi trường

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao chóng mặt

2 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, hàng loạt nhà băng tìm đủ mọi cách để huy động nguồn vốn dài hạn. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nơi đã huy động vốn rầm rộ, gần đây nhất là việc phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao.

Ngân hàng Bản Việt có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,4%/năm, cho kỳ hạn 18 tháng. Chỉ cần gửi từ 10 triệu đồng, khách hàng đã có thể tham gia sản phẩm chứng chỉ tiền gửi. Có hai hình thức nhận lãi là cuối kỳ và hàng tháng. Lãi suất cố định trong suốt thời gian gửi.

Ngân hàng tìm cửa hút tiền, người gửi 10 triệu đồng đã nhận lãi 8,4%/năm - 1

Một số nhà băng thậm chí tung ra chương trình chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8%/năm (Ảnh: Mạnh Quân).

Các ngân hàng khác cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm thông thường. Với khách hàng gửi từ 100 triệu trở lên, Techcombank có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6,5%/năm, trong khi đó nếu gửi tiết kiệm thông thường lãi suất chỉ là 6,2%/năm.

Tại SeABank, chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 8,55%/năm, áp dụng kỳ hạn 18 tháng. Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng. Nếu gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này cho khoản gửi 100 triệu chỉ ở mức 7,1%/năm, cho kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất trên chỉ được áp dụng từ 3/10 đến 14/10.

SHB huy động chứng chỉ tiền gửi với 2 kỳ hạn dài 6 năm và 8 năm, lãi suất là 7,9%/năm và 8,1%/năm, là mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này đang áp dụng.

Sacombank cũng có chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với kỳ hạn 7 năm, lãi suất năm đầu lên tới 8%/năm.

Ngân hàng tìm mọi cửa để huy động vốn

 

Hàng loạt nhà băng gần đây cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động. Khảo sát của Dân trí cho thấy sau động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 20 nhà băng đã tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn, đưa mặt bằng về gần mức trước dịch.

Động thái tìm cửa cạnh tranh hút tiền từ khách hàng của các nhà băng cho thấy các ngân hàng vẫn "khát" vốn. Dù "room" tín dụng đã được nới nhưng cũng chỉ là niềm vui "ngắn chẳng tày gang" do thực tế chỉ là động thái sử dụng nốt phần còn lại của kế hoạch hạn mức 14%. Các ngân hàng vẫn phải "đua" hút tiền gửi, trong bối cảnh thanh khoản không còn dồi dào.

Ngân hàng tìm cửa hút tiền, người gửi 10 triệu đồng đã nhận lãi 8,4%/năm - 2

Ngân hàng tìm mọi "cửa" huy động vốn (Ảnh: Mạnh Quân).

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến 20/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04%, trong khi cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh là 10,54%, cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Mua chứng chỉ tiền gửi, lưu ý gì?

 

Tuy nhiên, với kênh chứng chỉ tiền gửi, vẫn có những điểm đáng lưu ý do lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm nhưng tính thanh khoản lại kém hơn.

Thông thường, các nhà băng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, với lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm 0,5-2%/năm, nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn.

Tuy nhiên, kênh đầu tư này chỉ phù hợp khi khách hàng có tiền nhàn rỗi trong thời gian dài. Khi gửi tiết kiệm có kỳ hạn, người gửi tiền vẫn có thể được rút trước hạn, miễn chấp nhận lãi suất không kỳ hạn. Còn với chứng chỉ tiền gửi, điều này gần như không thể (trừ một số loại có kỳ hạn ngắn). Khách hàng chỉ có thể chuyển nhượng và cầm cố để vay vốn với lãi suất phải trả cao hơn lãi suất nhận được từ chứng chỉ tiền gửi.

Lãi suấtKỳ hạnThanh khoản
Chứng chỉ tiền gửiCao, ổn định, tùy từng kỳ hạnThường kỳ hạn dàiThấp, hầu như không được rút trước hạn
Sổ tiết kiệmThấp hơn, hay điều chỉnh, tùy từng kỳ hạnKỳ hạn 1-3-6-9-12-24-36 thángCao, được rút trước hạn nhưng chịu lãi suất không kỳ hạn

Thực tế, việc chuyển nhượng cũng khó khăn do ít người mua hơn và nếu cầm cố thì khách sẽ chịu thiệt, vì phải bỏ thêm chi phí vay. Ngoài ra, khách hàng cũng thận trọng bởi tại một số nhàbăng, lãi suất cao chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường.

Việc hàng loạt ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động chỉ trong thời gian ngắn, cũng gây áp lực lên lãi vay. Khảo sát của Dân trí cho thấy gần đây một số ngân hàng thương mại đang rục rịch nâng lãi suất cho vay mua nhà từ 0,2% đến 1% mỗi năm. Diễn biến này đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước, song vẫn gây áp lực mạnh đến người có ý định vay tiền.

 

Về bức tranh tín dụng những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng khó đoán định do phụ thuộc vào nhiều ẩn số, liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, điều hành của Ngân hàng Nhà nước nói chung và tại các ngân hàng thương mại nói riêng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm