RCEP - Bước nhảy vọt hướng tới Thế kỷ châu Á
DNVN – Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một thành tựu phi thường trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, chiến tranh thương mại tự và đại dịch toàn cầu gia tăng. RCEP cũng là bước nhảy vọt để châu Á hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Cứ 1.000 người Việt thì có 60 người bị đái tháo đường / TP.HCM chính thức bỏ HĐND cấp quận, phường
Tháng 6 năm ngoái, bộ trưởng các nước RCEP nhấn mạnh quyết tâm ký kết hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu gặp khó khăn chưa từng có. Sau gần một thập kỷ đàm phán, 15 quốc gia đã sẵn sàng ký kết hiệp ước thương mại tự do lớn nhất thế giới trong Hội nghị Cấp cao ASEAN.
RCEP dự kiến sẽ tăng cường thương mại nội khối giữa 10 nước ASEAN, các nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Đại Dương gồm Australia, New Zealand.
Đáng ngạc nhiên là Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP vào cuối năm ngoái, sau khi chính phủ của Thủ tướng Modi tăng cường hợp tác với Mỹ thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có thể trở lại các cuộc đàm phán gia nhập RCEP trong tương lai nếu nước này thay đổi quan điểm.
Nhưng ngay cả khi không có Ấn Độ, nền kinh tế tổng hợp của các nước gia nhập RCEP chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Và vì vậy, nó sẽ có những tác động toàn cầu đáng kể.
Tại sao RCEP hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn này?
Trong bốn năm qua, tất cả các thỏa thuận thương mại đa hương đã bị lu mờ bởi chủ nghĩa đơn phương “Nước Mỹ trên hết”. Tuy nhiên, sự ra đời của RCEP sẽ giúp tăng cường hội nhập thương mại đa phương ở châu Á - khu vực năng động nhất thế giới.
Gần đây, các nhà phê bình RCEP - đặc biệt là ở Washington (Mỹ) và Brussels (Bỉ) - cho rằng hiệp ước thể hiện sự hội nhập “nông” vì các yêu cầu của nó không nghiêm ngặt như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama thúc đẩy. Tuy nhiên, chính những điều kiện tiên quyết nghiêm ngặt đó đã khiến TPP trở thành mục tiêu của một loạt các nhóm chống chủ nghĩa toàn cầu, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã ký lệnh rút khỏi TPP khi ông vào Nhà Trắng. Cuối cùng, TPP ưu tiên nhu cầu hội nhập của vốn quốc tế hơn nhu cầu của chính phủ các nước.
Thứ hai, hội nhập kiểu RCEP phù hợp hơn với nhu cầu hội nhập ở châu Á, nơi các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ý tưởng về chủ quyền quốc gia là quan trọng và di sản của chủ nghĩa thực dân phương Tây vẫn còn nhiều.
Thứ ba, RCEP có thể phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế mới vốn bị bao trùm bởi chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thuế quan. Kể từ cuộc Đại suy thoái 2007-09, các khối quốc gia mong muốn hội nhập sâu rộng và đồng nhất, đặc biệt là Khu vực đồng tiền chung châu Âu, đã phải có những bước lùi, trong khi các khối quốc gia được xây dựng dựa trên hội nhập phù hợp và không đồng nhất, bao gồm cả ASEAN, lại giữ được khả năng cơ động chiến lược cao hơn trước những sóng gió quốc tế.
Kỳ vọng của ASEAN và các nước phát triển
Theo quan điểm của ASEAN, RCEP có ý nghĩa sống còn trong việc phát triển và hội nhập khu vực, đặc biệt là khi các nền kinh tế lớn của thế giới lựa chọn gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ các cuộc chiến thương mại mới bùng phát trong tương lai. RCEP cũng có thể đóng vai trò như một nền tảng giúp tăng cường hội nhập kinh tế toàn cầu.
Từ quan điểm của những nước có thu nhập cao như Nhật Bản, Úc và New Zealand, RCEP là rất quan trọng giúp họ tham gia vào sự tăng trưởng của khu vực. Các nước này, dù hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu như đều gặp nguy cơ sự trì trệ gia tăng, nền kinh tế đang “già” đi và ngày càng phân cực.
Hiệp ước RCEP không thể giải quyết những xu hướng như vậy, nhưng có thể giúp đối trọng với chúng. Ngoài ra, RCEP dự kiến sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, do đó mang lại lợi ích cho những nhà xuất khẩu nước này, chẳng hạn như các nhà cung cấp phụ tùng ô tô.
Thật vậy, RCEP có thể xóa bỏ 90% thuế nhập khẩu giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, có thể bắt đầu từ đầu năm sau. RCEP cũng sẽ tìm cách thiết lập các quy tắc chung cho thương mại, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.
Trung Quốc hỗ trợ hội nhập toàn cầu và khu vực
Trái ngược với tất cả các quốc gia lớn khác, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi từ cuối mùa Xuân. Bất chấp cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc một lần nữa được cải thiện trong tháng 9 lên gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi của tăng trưởng nhập khẩu ở mức hơn 13% sau hai tháng giảm liên tiếp cho thấy niềm tin đang tăng lên - doanh số bán hàng kỷ lục trong Ngày Độc thân gần đây càng củng cố cho lập luận này.
Bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Trung Quốc đang ủng hộ hội nhập khu vực và toàn cầu. Một phần, đây là hệ quả tự nhiên của sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Cũng giống như sự trỗi dậy của Nhật Bản trong thời hậu chiến dẫn đến các khoản đầu tư xuyên biên giới của nước này trong khu vực, sự nổi lên của Trung Quốc cũng có tác động tương tự nhưng rộng hơn.
RCEP quan trọng đối với Trung Quốc nhưng không phải là mục tiêu chính duy nhất trong khu vực đối với nền kinh tế khổng lồ của nước này. Khi triển vọng toàn cầu về thương mại quốc tế bị giảm đi, Trung Quốc đã thúc đẩy sự phân hóa ở các khu vực trong nước (Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao) và quốc tế (Sáng kiến Vành đai và Con đường - BRI).
Tuy nhiên, thương mại song phương của Trung Quốc với ASEAN đã tăng đều đặn trong một, hai thập kỷ qua. Từ tháng 1 đến tháng 5, nó chiếm gần 15% tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc, vượt quá khối lượng thương mại của nước này với Mỹ (11%) và EU (14%).
Ý thức về tương lai chung cho Thế kỷ Châu Á
Do cơ chế thương mại quốc tế quan trọng của nó, RCEP cũng sẽ có tác động toàn cầu. Các nền kinh tế này đại diện cho 2,2 tỷ dân (30% tổng dân số thế giới) và tổng GDP là 26 nghìn tỷ USD (gần 30% tổng GDP toàn cầu).
Quan trọng nhất, nó cho thấy sự lạc quan lớn hơn. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết: “Việc ký kết RCEP sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ, tích cực cho việc thúc đẩy hội nhập khu vực và toàn cầu hóa kinh tế”.
Nếu các bên tham gia hiệp ước tiếp tục phát triển mạnh, vai trò kinh tế của Trung Quốc và ASEAN sẽ tăng lên tương đối nhanh hơn theo thời gian.
Giả sử trong hoàn cảnh hòa bình và tương đối ổn định, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào cuối thập niên 2020, trong khi nền kinh tế của ASEAN sẽ tăng trưởng tương tự.
Bất chấp tình hình địa chính trị ở châu Á (khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp mãn nhiệm), cả Trung Quốc và ASEAN đều có chung mục tiêu dài hạn đối với chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực và toàn cầu. Chính ý thức mạnh mẽ về một tương lai chung có thể tạo nên Thế kỷ châu Á được mong đợi từ lâu.
Quốc Bảo (Theo Eurasia Review)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo