RCEP - Hiệp định thương mại định hình kinh tế và chính trị toàn cầu
DNVN - Ngày 15/11/2020, 15 quốc gia - gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác khu vực - đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây được cho là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử. Hiệp định này sẽ có tác động ra sao đến kinh tế và chính trị toàn cầu?
Sẽ nỗ lực để ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 / Kết thúc đàm phán RCEP không có Ấn Độ
RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - được ký kết vào năm 2018 và cũng do các nước Đông Á chi phối - là những hiệp định thương mại tự do đa phương lớn duy nhất được ký kết trong thời ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ.
Ấn Độ và Hoa Kỳ từng là thành viên của RCEP và CPTPP, nhưng sau đó đã rút lui dưới thời chính quyền Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump. Khi các hiệp định hiện đã được định hình (xem Hình 1) đã kích thích mạnh mẽ sự hội nhập của khu vực Đông Á xung quanh Trung Quốc và Nhật Bản. Đây một phần là kết quả cho các chính sách của Hoa Kỳ. Theo Viện nghiên cứu chính sách công phi lợi nhuận Brookings (Mỹ), nước này cần tái cân bằng các chiến lược kinh tế và an ninh để không chỉ thúc đẩy các lợi ích kinh tế mà còn cả các mục tiêu an ninh của mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký RCEP. Ảnh: Báo Công thương
Ý nghĩa kinh tế của RCEP
RCEP sẽ kết nối khoảng 30% dân số và hàng hóa của thế giới và trong bối cảnh chính trị phù hợp, hiệp định này sẽ tạo ra lợi ích đáng kể. Theo mô phỏng máy tính Viện Brookings công bố gần đây, RCEP có thể mang đến thêm 209 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm cho thế giới và 500 tỷ USD cho ngành thương mai thế giới vào năm 2050.
Brookings cũng ước tính RCEP và CPTPP kết hợp với nhau sẽ bù đắp những tổn thất toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các hiệp định mới sẽ giúp nền kinh tế của Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối các thế mạnh về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.
Hình 1: Các thành viên của RCEP và CPTPP. (Các con số thể hiện GDP 2018 tính bằng nghìn tỷ USD).
Nguồn: Nhóm tác giả.
Tác động của RCEP là rất ấn tượng mặc dù hiệp định này không khắt khe như CPTPP. Nó khuyến khích các chuỗi cung ứng trên toàn khu vực nhưng các quy định về sở hữu trí tuệ của RCEP chỉ bổ sung ít nhiều vào những gì nhiều nước thành viên áp dụng. Ngoài ra, hiệp định cũng không đề cập đến lao động, môi trường hoặc doanh nghiệp nhà nước - những chương chính trong Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, theo Brookings các hiệp định thương mại lấy ASEAN làm trung tâm có xu hướng cải thiện theo thời gian.
Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi đáng kể từ RCEP (với 19 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030) nhưng sẽ ít hơn Đông Bắc Á vì nước này đã có các hiệp định thương mại tự do với các đối tác RCEP. Nhưng RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận các quỹ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nâng cao lợi nhuận từ việc tiếp cận thị trường bằng cách tăng cường các liên kết vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc. Quy tắc xuất xứ thuận lợi của RCEP cũng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài.
Ý nghĩa địa chính trị của RCEP
RCEP - vốn thường bị hiểu một cách không chính xác là “do Trung Quốc lãnh đạo” - là một thành công của chính sách ngoại giao trung dung của ASEAN. Giá trị của một hiệp định thương mại Đông Á lớn từ lâu đã được công nhận, nhưng cả Trung Quốc và Nhật Bản, những nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, đều không được chấp nhận về mặt chính trị như là những kiến trúc sư cho dự án. Bế tắc đã được giải quyết vào năm 2012 bằng một thỏa thuận do ASEAN làm trung gian bao gồm Ấn Độ, Australia và New Zealand là thành viên và giao ASEAN chịu trách nhiệm đàm phán thỏa thuận. Nếu không có “vai trò trung tâm của ASEAN”, RCEP có thể không bao giờ được ra đời.
Chắc chắn RCEP sẽ giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, một phần thưởng cho tám năm đàm phán kiên nhẫn theo “cách ASEAN”- điều mà các bên tham gia thường mô tả - với các mức độ khác nhau - từ chậm chạp, đồng thuận đến vô cùng linh hoạt.
RCEP cũng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế Đông Bắc Á. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm ngoái đã lưu ý rằng các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên giữa Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản - vốn đã lâm vào bế tắc trong nhiều năm, sẽ trở nên sôi động “ngay khi họ có thể kết thúc đàm phán về RCEP”. Trong một bài phát biểu cấp cao vào đầu tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ “đẩy nhanh các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư Trung Quốc-EU và hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc”.
Cuối cùng, RCEP và CPTPP là những ví dụ điển hình cho sự suy giảm toàn cầu trong thương mại dựa trên quy tắc. Nếu RCEP thúc đẩy sự tăng trưởng cùng có lợi, các thành viên của hiệp định này, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ giành thêm tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Lựa chọn của Mỹ
Theo Viện Brookings, các chính sách của Mỹ ở châu Á cần phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế đang thay đổi của Đông Á, thừa nhận vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc, quá trình hội nhập của ASEAN đang ngày càng tăng và ảnh hưởng của Mỹ về mặt kinh tế giảm dần.
Các chính sách châu Á của chính quyền Donald Trump tập trung vào Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Như các chuyên gia đã lưu ý, các nguyên tắc của FOIP - một khu vực hòa bình, cởi mở, hòa bình - nhất quán với chính sách của Hoa Kỳ. Nhưng chiến lược của chính quyền Hoa Kỳ sau đó nhấn mạnh việc cô lập Trung Quốc khỏi các mạng lưới kinh tế khu vực và ưu tiên các thỏa thuận an ninh mà trung tâm là bốn nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Trong khi đó, các khía cạnh kinh tế của FOIP vẫn là thứ yếu, từ các khoản đầu tư khiêm tốn và kế hoạch loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng. Cách tiếp cận của Hoa Kỳ đã gây phản cảm với ASEAN và các nước bạn Đông Á khác, buộc các nước phải có những lựa chọn chính trị rủi ro và không cần thiết.
Tới đây, Hoa Kỳ có thể lựa chọn việc tiếp tục FOIP theo hình thức hiện tại với sự hỗ trợ đa phương nhiều hơn. Cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump được Quốc hội và thậm chí ở một số nước ASEAN ủng hộ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có nguy cơ khiến Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc trong khi các thỏa thuận kinh tế như RCEP, CPTPP và BRI tiếp tục phát triển. Không có trụ cột kinh tế, FOIP vẫn sẽ thúc đẩy các nước phải lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và an ninh.
Lựa chọn thứ hai của Hoa Kỳ là tái tham gia đầy đủ vào các hiệp định kinh tế khu vực cùng với vai trò an ninh tích cực. Ví dụ, Hoa Kỳ có thể tham gia CPTPP và ủng hộ việc mở rộng nhanh chóng sang Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Vương quốc Anh. Thị trường và công nghệ của Hoa Kỳ khiến những thỏa thuận như vậy trở nên hấp dẫn và về lâu dài, có thể thuyết phục Trung Quốc tham gia (Viện Brookings ước tính điều này mang đến lợi nhuận lớn nếu thành hiện thực). Nhưng tình hình chính trị hiện tại của Hoa Kỳ dường như không ủng hộ cách tiếp cận này.
Lựa chọn thứ ba của Hoa Kỳ là tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ của sức mạnh mềm kết hợp với các cam kết an ninh hẹp nhưng chắc chắn. Cách tiếp cận này sẽ dựa trên thế mạnh của Hoa Kỳ và tập trung cho các sáng kiến tham vọng hơn. Nó sẽ giúp Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ trong các diễn đàn khu vực, giao lưu giữa người dân các nước, vận động chính sách thương mại dựa trên quy tắc và sự hiện diện quân sự rõ ràng. Sự tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mang đến lợi ích lớn, nhưng điều này khó có thể thành công trong bối cảnh hiện tại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo