Tin tức - Sự kiện

Sinh viên quốc tế thích thú tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền của Việt Nam

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại Trường Đại học Nha Trang (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), các sinh viên quốc tế, chủ yếu là sinh viên nước bạn Lào được tham gia các hoạt động trải nghiệm vui Xuân, đón Tết. Từ đây, các sinh viên quốc tế hiểu thêm về văn hóa và phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Các khoản tiền người lao động sẽ nhận được dịp Tết Nguyên đán 2024 / Việt Nam có thể lấy lại mức tăng trưởng 6% trong năm 2024

Chú thích ảnh
Sinh viên Lào tự tay trang trí, tìm hiểu ý nghĩa về mâm ngũ quả ngày Tết Việt Nam.

Có mặt từ rất sớm để tham gia chương trình giao lưu văn hóa tìm hiểu về Tết Việt, Noksomboun Bouavankham, nữ sinh viên năm 4 ngành Nuôi trồng thủy sản, hào hứng cho biết: Năm nay là năm thứ 4 em đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Từ khi sang Việt Nam học tập, ngoài các kiến thức chuyên ngành, cuộc sống Noksomboun trở nên phong phú hơn với những hoạt động tìm hiểu văn hóa của người Việt Nam. Ở tỉnh Khánh Hòa, Noksomboun được tham gia hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu quốc tế các nước khi có dịp.

Những năm trước, vào những ngày Tết Nguyên đán, cũng như mọi người dân Việt Nam, Noksomboun dọn dẹp nhà cửa, mua bánh mứt đón Tết, đi chùa cầu bình an. Năm nay, có kinh nghiệm hơn, cô dự tính sẽ hòa vào dòng người đi ngắm pháo hoa vào đêm Giao thừa, du Xuân cùng bạn bè vào thời khắc ý nghĩa này.

“Học tập tại Trường Đại học Nha Trang, em rất tự hào. Em yêu thích việc nuôi trồng thủy sản. Lào không có biển, nhưng các kiến thức em học được, em hy vọng sẽ có ích cho việc áp dụng vào nuôi nước ngọt trên sông MeKong. Đón Tết tại trường với những tình cảm ấm áp của thầy cô, bạn bè trong lớp và đồng hương, em thấy rất vui, hạnh phúc. Những năm ở Việt Nam, học hỏi thêm nhiều kiến thức, văn hóa, nhất là phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt Nam.

“Những năm trước tham gia chương trình giao lưu văn hóa, em được tự tay làm bánh chưng, trang trí hoa cho ngày Tết, năm nay trải nghiệm làm mâm ngũ quả. Em rất vui”, Noksomboun chia sẻ.

Noksomboun cho biết thêm, với em, Tết Việt đầm ấm, nhiều phong tục với những ý nghĩa rất thú vị và triết lý sống. So với Việt Nam, đất nước Lào có ngày Tết Bunpimay từ ngày 13-15/4 hằng năm, người dân sẽ tham gia lễ hội té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Đây được gọi là Tết cổ truyền của Lào, giống cách gọi của Việt Nam - là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc truyền thống văn hóa dân tộc. Nếu Tết người Việt sẽ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ mới, trang trí cây nêu và đi chơi Tết, Tết của người Lào chủ yếu tập trung vào lễ hội té nước.

 

Với người Việt Nam, hoa mai, hoa đào nở là biểu tượng của ngày Tết, còn người Lào sẽ hái hoa Dok Champa (hoa sứ) để kết thành vòng cổ, vòng tay trao cho người thân, nhằm trao gửi sự yêu thương may mắn, hạnh phúc; hay lễ Sou khuản (buộc chỉ đỏ vào tay). Vậy nên, với Noksomboun, Tết ở mỗi đất nước đều đặc biệt ý nghĩa.

Khác với Noksomboun, Vongsay Phetmany, sinh viên ngành Kinh doanh Thương mại lần đầu tiên đến học tập và sẽ đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Phetmany cho hay, không khí những ngày cuối năm theo lịch âm, rất đặc biệt. Các bạn cùng lớp của Phetmany trò chuyện nhiều hơn về chủ đề Tết, về kỳ nghỉ Tết. Điều này, gây ấn tượng mạnh với cô. Trong buổi giao lưu tìm hiểu văn hóa ngày Tết do Nhà trường tổ chức, Phetmany đã tự tay trang trí mâm ngũ quả, lắng nghe và cùng chơi trò chơi, tìm hiểu ý nghĩa của các phong tục, trò chơi ngày Tết của người Việt.

“Em thấy chương trình giao lưu văn hóa rất bổ ích, nhất là dành cho những du học sinh lần đầu đón Tết ở Việt Nam như em. Trong những ngày Tết, em có kế hoạch đi chùa để cầu bình an cho gia đình và người thân của em theo phong tục của người Việt”, Phetmany dự tính.

Trong khuôn khổ của chương trình, Ban Giám hiệu Nhà trường tổ chức tặng quà Tết cho sinh viên quốc tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân, Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế Trường Đại học Nha Trang cho biết, các hoạt động giao lưu văn hóa với sinh viên quốc tế: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Lào… được nhà trường tổ chức theo các sự kiện thường xuyên, có điểm nhấn.

Tết cổ truyền Việt Nam là dịp để gia đình quây quần cùng nhau. Nhà trường tạo điều kiện, sân chơi để các bạn sinh viên, du học sinh nước ngoài khi ở lại trường cũng có thể cảm nhận không khí ấm cúng ngày Tết. Năm nay, Trường Đại học Nha Trang đã tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết, tạo điều kiện cho các sinh viên Lào ở lại Khánh Hòa như: trang trí mâm ngũ quả, thi trắc nghiệm các nội dung về phong tục ngày Tết, nét đẹp ngày Tết… Qua đây, các du học sinh có dịp trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa, phong tục đón Tết cổ truyền của Việt Nam, đồng thời tạo những kỷ niệm đẹp cho các du học sinh về văn hóa Việt Nam ngày Tết.

 

Tại Lễ trao quà Tết cho sinh viên quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang nhấn mạnh, thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, gắn kết, các du học sinh sẽ trở thành cầu nối truyền đi thông điệp tích cực và quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, từ đó góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm