Thủ tướng phê duyệt quy hoạch bảo tồn, phục hồi danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn
"Bàn" giải pháp phát triển bền vững vận tải biển ASEAN / Tăng cường xử lý vi phạm về kiểm soát tiền chất công nghiệp
Mở rộng phạm vi khu vực bảo vệ I của danh thắng Ngũ Hành Sơn
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 1.049.701m2; ranh giới lập quy hoạch gồm phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.
Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.
Bảo vệ nguyên trạng toàn bộ không gian cảnh quan khu vực bảo vệ I của danh thắng Ngũ Hành Sơn; cắm mốc giới, thiết lập vùng đệm cây xanh chuyên đề rộng 20m xung quanh khu vực này. Quy hoạch, xác định các khu vực dân cư cần giữ lại, chỉnh trang (khu vực nhà ở kết hợp kinh doanh đá mỹ nghệ trên đường Huyền Trân Công Chúa và đường Non Nước; khu vực dân cư sản xuất nông nghiệp).
Bảo tồn toàn bộ các giá trị nổi bật, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Gồm hệ thống núi đá vôi và các hang động; các công trình di tích, điểm danh thắng; hệ thống bia Ma Nhai; các vị trí, khu vực thám sát, khảo cổ; hệ sinh thái; các lễ hội truyền thống Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, lễ kỵ Thạch nghệ Tổ sư nghề đá Non Nước, lễ hội đình Khuê Bắc và có giải pháp phục hồi một số lễ hội truyền thống có giá trị khác của cư dân địa phương.
Hình thành các trục cảnh quan
Theo Quyết định 822/QĐ-TTg, tại khu danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn sẽ quy hoạch hình thành trục cảnh quan, văn hóa lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò; trục cảnh quan xanh kết nối Thủy Sơn và Mộc Sơn.
Tổ chức tuyến không gian văn hóa, lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển - danh thắng Ngũ Hành Sơn - sông Cổ Cò với điểm khởi đầu tuyến là khu vực công viên danh nhân và điểm kết thúc là cồn đất giữa sông Cổ Cò. Lấy cồn đất tự nhiên làm yếu tố bình phong, sông Cổ Cò làm minh đường; hình thành không gian kiến trúc cảnh quan với các đường dạo, cây xanh, vườn tượng, điểm nghỉ chân (phía Đông) và không gian lễ hội (phía Tây).
Các không gian bổ trợ gồm các khu vườn tượng phía Nam và công viên chuyên đề phía Bắc (ngọn Thủy Sơn); Trung tâm giao lưu hữu nghị Việt - Nhật; không gian ngoài trời tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, đền thờ tưởng niệm các liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng (gần ngọn Mộc Sơn)...
Về kết nối giao thông các không gian chức năng trong khu vực quy hoạch, tiến hành chỉnh trang, cải tạo các tuyến giao thông hiện hữu và hình thành một số tuyến giao thông nội bộ. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng 2 hầm chui qua đường Lê Văn Hiến kết nối trục lễ hội Đông - Tây và 1 hầm chui qua đường Trường Sa phục vụ người đi bộ, kết nối với không gian phía biển Đông.
Khai thác du lịch ban đêm tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn
Về định hướng phát triển du lịch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên cơ sở lấy các yếu tố gốc tạo nên giá trị của danh lam thắng cảnh là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch chuyên đề (sinh thái, văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm, tham quan làng nghề đá mỹ nghệ...) để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như du lịch thiền, ẩm thực chay, các khóa tu tập... Khai thác lợi thế của làng quê nông nghiệp, mặt nước sông Cổ Cò kết nối với giao thông thủy nội địa để đa dạng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như trồng trọt, chăn nuôi, câu cá trên sông, chèo, đua ghe, thuyền truyền thống...
Tổ chức các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch ban đêm trong khu vực danh thắng theo định hướng chung của ngành du lịch TP. Nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại làng nghề đá truyền thống Non Nước. Tổ chức lại và hình thành không gian kinh doanh thương mại các sản phẩm đá mỹ nghệ phù hợp cảnh quan chung, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Theo Quyết định 822/QĐ-TTg, thời gian thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn từ năm 2023 đến 2030; tầm nhìn đến năm 2050. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo