Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng: Sẵn sàng đánh đổi phát triển kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân trước dịch Covid-19

DNVN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu bàn những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, chủ động, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây nhiễm đã vào hoặc có nguy cơ vào nước ta để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra, đánh đổi phát triển kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID–19 thứ 18 ở Việt Nam / Thừa Thiên Huế: Cách li tại chỗ 12 du khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19

Tại cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19 do Thường trực Chính phủ tổ chức sáng 09/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới và “chúng ta cần nhìn nhận trạng thái mới của dịch bệnh COVID-19 ở nước ta một cách bình tĩnh”. Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế rất sâu, nhu cầu đi lại rất lớn nên nguồn lây nhiễm rất đa dạng. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu bàn những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, chủ động, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây nhiễm đã vào hoặc có nguy cơ vào nước ta để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra, đánh đổi phát triển kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Theo người đứng đầu Chính phủ, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Chính phủ sẽ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân, người dân không chỉ nâng cao kiến thức y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân gia đình, bảo vệ cộng đồng. Phải chuẩn bị mọi điều kiện kịp thời, kể cả con người, phương tiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng chiến đấu kịp thời, đặc biệt tăng cường năng lực y tế cả Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp sáng 09/3. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan làm tốt hơn nữa thông tin đến người dân, tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ như một số trường hợp vừa qua. Đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương, các bệnh viện, các trung tâm y tế, các tổ chức, doanh nghiệp, từng hộ gia đình lập hoặc cập nhật phương án, kịch bản đã có để luôn sẵn sàng hành động. Các ngành phải phối hợp tốt, chặt chẽ với nhau.
Thủ tướng cũng đồng ý việc hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…
Thủ tướng đồng ý việc tạm dừng đơn phương miễn thị thực đối với 8 nước châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.
Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm thời không cử cán bộ đi học tập, công tác nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, sau 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới, ngày 06/3, Việt Nam ghi nhận ca dương tính với Covid-19 thứ 17 tại Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 08/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 30 ca dương tính với Covid-19, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi, 14 ca mới ghi nhận (trong đó có 5 ca người Việt Nam và 9 ca người nước ngoài) hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế; trong 5 ca người Việt có 2 ca trên chuyến bay VN0054, 2 ca lây từ bệnh nhân người Việt số 17, 1 ca người Việt đi về từ Hàn Quốc.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm