Tin tức - Sự kiện

Tổng sản phẩm trong nước quý III/2021 giảm sâu kéo GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42%

DNVN - Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đẩy GDP Quý III/2021 ước tính giảm 6,17%. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Số liệu GDP Quý III kéo GDP 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42%.

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công / Ngày 28/9: Số ca mắc mới COVID-19 chỉ còn 4.589, số ca khỏi nhiều gấp gần 5 lần

Thông tin này đã được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý III và 9 tháng năm 2021 do Tổng cục thống kê tổ chức sáng 29/9.
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
"Số liệu này cho thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khi nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh", bà Nguyễn Thị Hương đánh giá.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: INT)
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm %; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm %.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm %. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm % do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm %.
Thông tin về một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu khác trong 9 tháng năm 2021, bà Hương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1%, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sụt 6,9%, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 97%. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1%, 85.481 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 18,8%, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 30,5%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,82%, lạm phát cơ bản tăng 0,88%, nhập siêu là 2,13 tỷ USD.
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng dương 1,42% tuy không phải là mức tăng trưởng cao nhưng an sinh xã hội được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Về tình hình kinh tế - xã hội Quý IV/2021, bà Hương nhận định, trong những tháng còn lại năm nay, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù tiêm phòng COVID-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Để đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể, Tổng cục thống kê đề xuất 6 giải pháp chính.
Thứ nhất: Cần xây dựng và hướng dẫn thực hiện khung y tế phòng, chống dịch để sống chung an toàn với dịch COVID-19. Sớm ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Thứ 2: Tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập. Lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi địa phương nơi làm việc, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động tại các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài.
Thứ 3: Từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài.
Thứ tư: Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân, mở rộng hợp tác công tư.
Thứ 5: Theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Để khắc phục tình trạng nhập siêu, cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước. Tăng cường công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có nguồn cung trong nước dồi dào để vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa cải thiện tình hình nhập siêu. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho các doanh nghiệp chịu chi phí tăng cao trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Thứ 6: Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống...
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm