Tin tức - Sự kiện

Tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc điều trị COVID-19

DNVN - Tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng là một trong những chỉ đạo quan trọng vừa được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đưa ra nhằm bảo đảm cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống COVID-19 trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi làm Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương / Cấp Thẻ nhận diện phương tiện đi, đến và quá cảnh qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Cụ thể, theo công văn 8026/QLD-KD ban hành ngày 10/7/2021, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu điều trị cho người bệnh mắc COVID-19, đặc biệt với các thuốc khan hiếm nguồn cung, ít hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam mà được khuyến cáo sử dụng trong điều trị COVID-19.
Chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá kê khai, kê khai lại đã công bố); không được lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. (Ảnh: TNO)
Chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố các công việc để bảo đảm cung ứng thuốc, nhất là các địa bàn bị cách ly, phong tỏa, không để ảnh hưởng tới hoạt động cung ứng thuốc.
Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở kinh doanh rà soát năng lực bảo quản, vận chuyển, tiếp nhận vắc xin phục vụ chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, sẵng sàng tham gia khi được yêu cầu.
Trong khi đó, các bệnh viện trực thuộc Bộ được yêu cầu triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để bảo đảm sẵn sàng cung ứng thuốc, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá.
Với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Quản lý Dược về việc bảo đảm nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, cung ứng thuốc theo các hợp đồng đã ký với các cơ sở khám chữa bệnh.
Bảo đảm việc tồn trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, giữ ổn định hệ thống phân phối, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch được Bộ Y tế khuyến cáo và chính quyền địa phương yêu cầu thực hiện. Xây dựng các kịch bản cụ thể hóa biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh tại nhà máy, công sở, bảo đảm sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.
Đối với các đơn vị trong vùng dịch, có thể bị cách ly, giãn cách cần thực hiện theo hướng dẫn biện pháp ứng phó tại các cơ sở kinh doanh dược trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 ban hành kèm theo công văn số 2352/BYT-QLD ngày 28/4/2020 của Bộ Y tế và các quy định khác có liên quan.
Đối với các đơn vị có kho bảo quản lạnh 2-8oC hoặc âm sâu, cần rà soát năng lực bảo quản các sản phẩm lạnh (thuốc, vắc xin, sinh phẩm) cần sắp xếp lại và dành dung tích tối đa có thể bảo quản vaccine phòng COVID-19 khi được yêu cầu, trưng tập phục vụ chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc.
Trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào của các thuốc hoặc giá thuốc nhập khẩu tăng, đề nghị công ty nghiên cứu xem xét giảm các chi phí không cần thiết khác như: chí phí bán hàng, chi phí quản lý... để thực hiện việc bình ổn giá trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai, kê khai lại và bán thuốc không cao hơn giá kê khai, kê khai lại; không được lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để tăng giá bán.
Đối với trường hợp thuốc hiếm nguồn cung, Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên giải quyết nhanh về việc cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu để kịp thời có thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh khi có đề nghị của các đơn vị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 13h ngày 10/7, Việt Nam có tổng cộng 25.486 ca ghi nhận trong nước và 1.914 ca nhập cảnh. Trong khi đó, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 23.916 ca, trong đó có 6.210 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tính đến thời điểm này, nước ta đã ghi nhận 112 ca tử vong do COVID-19 và 8.984 ca đã khỏi bệnh.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm