Tin tức - Sự kiện

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2%, dù Covid-19 diễn biến phức tạp

DNVN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp, tỷ lệ thất nghiệp chung và thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động của Việt Nam chỉ dao động quanh con số 2%. Vì sao có con số này và cần hiểu rõ hơn và khái niệm "thất nghiệp"?

Từ tháng 7/2021 Việt Nam ngừng nhập khẩu điện thoại 'cục gạch' / Cần giải pháp hạn chế nhập siêu lâu dài

Thất nghiệp hay không làm việc?

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình lao động - việc làm Quý II/2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 6/7/2021, ông Phạm Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động Quý II/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 ngàn người so với quý trước và giảm 82,1 ngàn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi Quý II/2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm % so với quý trước và 0,23 điểm % so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm % so với quý trước và giảm 0,95 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Phạm Hoài Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, tỷ lệ thất nghiệp chung và thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động vẫn chỉ dao động quanh con số 2%.
"Trên thực tế, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tước đi hi vọng về khả năng tìm kiếm được việc làm của người lao động. Do đó, khi mất việc, thay vì tích cực đi tìm việc làm khác, người lao động lại tin là không thể tìm được việc làm và chấp nhận tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, trở thành lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế. Điều này làm số lượng người thất nghiệp không tăng tương ứng với số người mất việc, bị đẩy ra khỏi thị trường lao động và khiến tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao, chỉ dao động quanh mức 2% ngay cả khi thị trường lao động gặp nhiều sóng gió", ông Phạm Hoài Nam nói.
Ảnh minh họa. (Nguồn: SGGPO)
Hiểu đúng về thuật ngữ "thất nghiệp"
Bình luận về tỷ lệ thất nghiệp, bà Valentina Baccuci- Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, nhấn mạnh đến thuật ngữ "thất nghiệp". Theo bà, có nhiều người cho rằng, thất nghiệp có nghĩa là không làm việc nhưng thực ra điều quan trọng là phải xác định xem có bao nhiêu người không làm việc trong Quý II/2021. Trên thực tế, có nhiều cách để người ta có thể không làm việc mà không nhất thiết được xếp vào nhóm thất nghiệp.
Bà Valentina Baccuci chia sẻ 3 ví dụ cho giải thích này.
Một người sống ở Hà Nội bị mất việc do dịch Covid-19 và đang trong quá trình phỏng vấn để xin việc nhưng người này cũng là đang không làm việc.
Một chị thường xuyên làm công việc dọn dẹp nhà cửa ở địa phương đang bị dịch Covid-19 tấn công, và vì thế chị ấy không có việc làm. Thế nhưng chị này không làm việc, nhưng đồng thời chị cũng không tìm kiếm việc làm do giãn cách xã hội nên không có việc làm cho chị ấy làm ở thời điểm hiện tại.
Một ví dụ khác, một người là nhân viên của công ty bị đóng cửa trong nhiều tuần do có rất nhiều người trong công ty là F0. Như vậy, người này đã không làm việc trong một khoảng thời gian nhất định.
"Tôi có thể lấy rất nhiều ví dụ khác nhau về những người không làm việc được xếp vào là không làm việc nhưng trên thực tế thì điều kiện và các đặc điểm là khác nhau. Vì thế, khi phân tích về thị trường lao động cần tìm ra phương án để có thể nắm bắt được tất cả những người có những đặc điểm khác nhau như vậy, không nên coi tất cả họ người thất nghiệp. Bởi nếu làm như vậy thì thực sự khó để xác định họ đang phải đối mặt với chuyện gì.
Chúng ta nên chia những người không làm việc thành các nhóm khác nhau và gán những cái tên khác nhau cho nhóm này. Ví dụ, những người đang làm việc, đang sẵn sàng làm việc và đang chủ động tìm việc như tôi đã nói ở ví dụ đầu tiên có thể xếp vào nhóm người thất nghiệp", bà Valentina Baccuci chia sẻ.
Còn những người đang không làm việc mà sẵn sàng làm việc nhưng không đang tìm việc giống như người làm công việc dọn dẹp nhà cửa thì chúng ta xếp vào nhóm lực lượng lao động tiềm năng hoặc tiềm tàng. Ngoài ra, còn có các nhóm khác.
"Thất nghiệp và không làm việc là hai hoàn cảnh rất khác nhau. Trong ngôn ngữ thông thường, chúng ta thường gọi bất kỳ ai không làm việc đều là những người thất nghiệp", bà Valentina Baccuci nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Mai- Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho hay, thuật ngữ thất nghiệp khác với thuật ngữ chúng ta vẫn đang dùng hàng ngày: thất nghiệp là không có việc làm.
"Chúng tôi đặt tên cho nhóm thất nghiệp bao gồm những người không có việc làm, có những động thái tích cực tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Nếu chỉ không có việc làm và không có nguồn thu thì không được coi là thất nghiệp", bà Thanh Mai chia sẻ.
Theo bà Thanh Mai, với các tiêu chí do quốc tế áp dụng với tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam chỉ có tỷ lệ thất nghiệp trong quý II/2021 là 2,62%. Đại dịch Covid-19 lan rộng đã tước đi hi vọng của người lao động là có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp, và bản thân họ có thể cũng đang trong trạng thái cách ly hoặc không có công việc phù hợp. Do đó, thay vì họ chủ động tìm kiếm tham gia thị trường lao động, họ không tìm việc, chấp nhận là người không có việc làm, không có nhu cầu làm việc và tạm thời ra khỏi thị trường lao động. Họ không có nguồn thu cho cuộc sống của họ, chứ không phải là người thất nghiệp.
"Thực ra, nếu tính con số 1,2 triệu người thất nghiệp trong quý II/2021 là ít nhưng nếu nhìn rộng ra con số 1,7 triệu người bị tước đoạt cơ hội tham gia vào lực lượng lao động và khoảng 1,4 triệu người tăng thêm trong lao động phi chính thức, tức là mất cơ hội việc làm chính thức, thì tổng số người có nhu cầu làm việc, thiếu việc làm bền vững và việc làm tốt trong nền kinh tế rơi vào khoảng 4,3 triệu người. Nếu coi những người không có việc làm tốt là thất nghiệp như chúng ta vẫn đang quan niệm thì tỷ lệ này rơi vào khoàng 8,4%. Như vậy không có nghĩa có tỷ lệ thất nghiệp thấp là chúng ta có thị trường lao động hoàn hảo", Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động lý giải.
So sánh không phù hợp
Giải đáp băn khoăn về việc tại sao nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp có tỷ lệ thất nghiệp cao tới 8 - 9% trong bối cảnh Covid-19, trong khi Việt Nam chỉ loanh quanh ở mức 2%, bà Thanh Mai cho biết: Đặc điểm nền kinh tế và thị trường lao động, trong đó đặc biệt là chính sách an sinh xã hội của những quốc gia này hoàn toàn khác Việt Nam.
"So sánh tỷ lệ thất nghiệp giữa quốc gia phát triển với quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam là không phù hợp. Thực tế, nếu so sánh với các quốc gia phát triển thì chúng ta có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines thì Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp ở mức trung bình", bà Thanh Mai chia sẻ.
Ngoài ra, theo bà Thanh Mai, cũng cần hiểu rằng, dù Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng chúng ta có rất nhiều vấn đề cần lưu ý về thị trường lao động, như 4 triệu người lao động trong khu vực tự sản tự tiêu, gần 1/3 lao động đang làm ở khu vực nông - lâm - thủy sản, và 60% lao động có việc làm phi chính thức.
"Tất cả những con số này đều thể hiện rằng, thị trường lao động mang lại cho dân số, cho lao động nói chung chưa phải là những công việc bền vững. Do đó, đây là sức ép đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều việc phải làm để bảo đảm thị trường lao động phát triển bền vững", Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động đánh giá.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm