Vì sao EVNCPC chuyển ngày ghi chỉ số công tơ điện về cuối tháng?
Bệnh viện Đà Nẵng ký hợp tác nâng cao chất lượng nhân lực với Mayo Clinic / Đà Nẵng quảng bá du lịch tại Hàn Quốc
Phó Tổng giám đốc EVNCPC Lê Thị Phương Cẩm đã có cuộc trao đổi với một số phóng viên các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng nhằm giải đáp thắc mắc của hàng triệu khách hàng sử dụng điện khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên đối với chủ trương mới này của EVNCPC.
Bà Lê Thị Phương Cẩm - Phó Tổng giám đốc EVNCPC.
Bà Lê Thị Phương Cẩm: Nghị định 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực có ghi rõ, mỗi một tháng chỉ được phát hành hóa đơn một lần, không được phát hành hóa đơn hai lần.
Thực hiện quy định này, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận ngành điện nói chung và EVNCPC nói riêng phải đẩy mạnh lắp đặt công tơ điện tử để chuyển phiên ghi điện của khách hàng vào ngày cuối tháng nhằm bảo đảm chốt doanh thu và chi phí vào cùng thời điểm. EVNCPC mua điện chốt vào ngày cuối tháng thì bán điện cho khách hàng cũng chốt vào ngày cuối tháng.
Để đáp ứng yêu cầu này, những năm qua EVNCPC đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp, hiện đại hóa lưới điện, công tơ đo đếm điện năng. Đến tháng 3/2023, EVNCPC đã hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống tự động thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cho 100% khách hàng sử dụng điện, kể cả ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua đó bảo đảm hạ tầng để ghi chỉ số vào ngày cuối tháng theo yêu cầu.
Phóng viên (PV) VOV: Trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng thì số ngày dùng điện của khách hàng sẽ nhiều hơn, tương ứng lượng điện tiêu thụ sẽ cao hơn cùng kỳ, trong khi hiện nay họ đang trả tiền điện theo giá điện bậc thang. Như vậy việc chuyển thời gian ghi chỉ số điện về ngày cuối tháng có thể gây thiệt thòi quyền lợi của khách hàng vì phải trả tiền điện nhiều hơn với giá cao hơn?
Bà Lê Thị Phương Cẩm: Theo quy định tại Thông tư 16/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, nếu số ngày sử dụng điện trong tháng kéo dài ra thì sẽ tính theo định mức sử dụng điện. Tại Thông tư 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ Công Thương cũng quy định công thức tính mức sử dụng điện của từng bậc trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ.
EVNCPC thực hiện đúng theo quy định này, bảo đảm việc thay đổi ngày ghi chỉ số không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Định mức sử dụng điện, hoá đơn tiền điện của khách hàng trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện về ngày cuối tháng vẫn được tính đúng theo quy định tại Thông tư 16/2014/TT-BCT, Thông tư 09/2023/TT-BCT của Bộ Tài chính và quyết định về biểu giá điện hiện hành. Các tháng tiếp theo, số ngày sử dụng điện bằng đúng số ngày trong tháng.
PV Doanh nghiệp Việt Nam: Bà có thể cho biết việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện sẽ được EVNCPC thực hiện theo nguyên tắc nào?
Bà Lê thị Phương Cẩm: Việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng được thực hiện trên cơ sở sự đồng thuận, thống nhất của khách hàng sử dụng điện, thông qua thỏa thuận và hợp đồng mua bán điện đã ký giữa khách hàng và bên bán điện.
Đến nay, EVNCPC đã chuyển đổi hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử, trong đó có thỏa thuận thống nhất việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng cho hơn 3,16 triệu khách hàng sinh hoạt. Dự kiến trong năm 2023 sẽ chuyển ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng cho 2,6/4,7 triệu khách hàng (chiếm 55%), trong đó đạt 100% khách hàng ở Đà Nẵng và Khánh Hòa; còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2024.
PV Dân Việt: Như bà vừa cho biết thì hiện còn hơn 2 triệu khách hàng của EVNCPC chưa có thỏa thuận thống nhất việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng. Vậy thì EVNCPC sẽ xử lý như thế nào?
Bà Lê Thị Phương Cẩm: Đối với các trường hợp chưa đồng thuận thì EVNCPC sẽ tăng cường truyền thông bằng nhiều kênh để đưa thông tin đến khách hàng sử dụng điện một cách đầy đủ, chính xác. Đồng thời chỉ đạo các điện lực trực thuộc kiên trì thuyết phục và chỉ thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện khi được khách hàng đồng ý.
Trước khi EVNCPC triển khai thực hiện chuyển ngày ghi chỉ số công tơ điện về ngày cuối tháng cho khách hàng thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã rất cẩn thận gửi văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương. Bộ đã giao cho EVN chỉ đạo thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng và phải đúng Nghị định 137/2013/NĐ-CP.
PV Tuổi Trẻ: Chuyển việc ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng rõ ràng có thể gây nhiều xáo trộn so với thói quen tính tiền điện lâu nay của khách hàng. Vậy thì việc thay đổi này đem lại lợi ích gì cho ngành điện và cho người tiêu dùng?
Bà Lê Thị Phương Cẩm: Đối với khách hàng, việc thay đổi thống nhất ngày ghi chỉ số về ngày cuối tháng giúp dễ nhớ, dễ kiểm tra, giám sát, theo dõi chỉ số tiêu thụ điện theo đúng số ngày trong tháng (từ ngày 1 đến hết ngày cuối tháng). Khách hàng có thể theo dõi sản lượng điện tiêu thụ theo từng ngày, tham khảo công cụ hỗ trợ tính toán tiền điện tại website https://cskh.cpc.vn hoặc qua ứng dụng EVNCPC CSKH (đăng nhập bằng tài khoản khách hàng đăng ký).
Đối với ngành điện, việc chuyển lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, minh bạch, dễ hiểu trong công tác quản lý đo đếm điện năng, ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện cho cả bên bán và bên mua điện. Qua đó sẽ tăng năng suất lao động so với trước và đây là điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?