Tin tức - Sự kiện

Việt Nam sắp công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên thế giới

DNVN - Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), quá trình công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang trong những khâu cuối cùng. Dự kiến vào tháng 6/2022, Cục sẽ phối hợp Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) tổ chức sự kiện này tại Hà Nội.

Giá lợn hơi tăng cao, lo ngại dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát / Cần gần 229 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Chiều 23/5, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì phiên họp về công tác chuẩn bị công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Thứ trưởng chỉ rõ, đây là vaccine sản xuất thương mại đầu tiên được công bố trên thế giới. Càng đến ngày công bố, các quy trình về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, cũng như thủ tục hành chính càng cần được sát sao.

"Việc công bố vaccine DTLCP thể hiện rõ ý chí, nghị lực của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới chưa thể sản xuất vaccine loại này suốt hơn 100 năm qua", Thứ trưởng nói.

Theo Cục Thú y, quá trình công bố vaccine DTLCP đang trong những khâu cuối cùng. Dự kiến vào tháng 6/2022, Cục sẽ phối hợp Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) tổ chức sự kiện này tại Hà Nội.

Tháng 6/2022 sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi.

DTLCP bùng phát ở Việt Nam vào năm 2019, sau 7 tháng lan ra 63 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng. Sản lượng thịt lợn giảm, giá thịt lợn tăng có lúc lên tới hơn 100.000 đ/kg.

Trước tình hình đó, 3 công ty gồm: Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco), Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH AVAC Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thương mại vaccine DTLCP. Qua quá trình thử nghiệm, vaccine đạt hiệu quả cao trong phòng chống dịch bệnh.

Sau lễ công bố vaccine DTLCP sắp tới, 600.000 liều vaccine đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã giao nhiệm vụ cho Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát chặt chẽ vaccine DTLCP khi sử dụng trong thực tế.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý các đơn vị lựa chọn một số địa phương có tính đặc thù để rà soát kỹ hiệu quả của vaccine, như: tỉnh biên giới Quảng Ninh, tỉnh Quảng Nam – nơi từng phát sinh nhiều ổ dịch, hoặc vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm