Tin tức - Sự kiện

Vú sữa tím Sóc Trăng xuất khẩu sang Mỹ

Mới vào đầu vụ thu hoạch, nhưng người dân trồng vú sữa tím tại Sóc Trăng rất phấn khởi khi vụ vú sữa tím vừa được mùa, vừa được DN bao tiêu xuất khẩu sang Mỹ với giá cao.

Nhiều khoản thu ngân sách nhà nước vượt dự toán / Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cuối năm

Nhà vườn thu hoạch vú sữa tím. (Ảnh: NLĐ)
Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, Sóc Trăng hiện có 23 hộ thành viên tham gia trồng vú sữa tím, ước tính sản lượng trái năm nay đạt từ 1.000 - 1.200 tấn.
Hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg đến cuối vụ (khoảng cuối tháng 3/2023); giá bao tiêu này cao hơn so với giá thị trường nội địa từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay đã có gần 20 tấn vú sữa tím được thu hoạch và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Bên cạnh liên kết doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hợp tác xã còn liên kết và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh như Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các hợp tác xã đã xuất khẩu tổng cộng trên 154 tấn vú sữa đi các nước.
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú huyện Kế Sách), việc quan tâm nâng cao chất lượng và đảm bảo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để trái vú sữa đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật được thị trường "khó tính" như Hoa Kỳ chấp nhận luôn được hợp tác xã đặc biệt chú trọng.
Hợp tác xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng xây dựng mô hình sản xuất cây vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 49 ha với sự tham gia của hơn 20 thành viên.
Tham gia mô hình, các thành viên đã tuân thủ đúng quy trình VietGAP. Từ khi đậu quả (trái), các thành viên hợp tác xã phải bao từng quả một để chống ruồi vàng đục quả, khi thu hoạch cũng phải cẩn thận, nhẹ tay để trái không bị cấn, dập vỏ... sự kỹ lưỡng từ khâu chăm sóc đến an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình nghiêm ngặt mới đảm bảo cho trái vú sữa tím đủ tiêu chuẩn để "xuất ngoại."
Việc xây dựng mã số chứng nhận chất lượng vùng trồng cũng được quan tâm. Việc xây dựng mã số xác định vùng trồng đã giúp người nông dân sản xuất có trách nhiệm hơn, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình canh tác, người tiêu dùng chỉ cần tra mã code là biết được nguồn gốc xuất xứ.
Do đó, chấp hành nghiêm các quy định kỹ thuật khi sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra sẽ bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình và tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Đến nay, trên địa bàn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 2.145 ha trồng vú sữa và 3 hợp tác xã liên kết tiêu thụ vú sữa chiếm hơn 40% diện tích. Địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, triển khai các tiến bộ kỹ thuật giúp nhà vườn tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo trái vú sữa an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, nhằm phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản của tỉnh bền vững, gắn thị trường tiêu thụ, tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung dựa trên thế mạnh đất đai và khí hậu của từng địa phương; xây dựng, phát triển mạng lưới cung cấp giống cây ăn trái có chất lượng cao; xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản ở địa phương, nhất là xây dựng mã code cho vùng trồng vú sữa tím...
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 28.500 ha cây ăn trái, trong đó, tập trung nhiều nhất tại huyện Kế Sách, với diện tích hơn 18.000 ha. Sóc Trăng đã quy hoạch được 20 vùng trồng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm