Các tỉnh miền Tây tăng mức độ áp dụng Chỉ thị 16 để kiên quyết dập dịch COVID-19
12/13 tỉnh miền Tây Nam Bộ có dịch COVID-19, Đồng Tháp ghi nhận 7 ca tử vong / Các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã thực hiện giãn cách xã hội từ 11/7
Đồng Tháp áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 5/9
Ngày 24/8, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký quyết định kéo dài giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 5/9.
Đồng Tháp giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 5/9.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phạm vi quản lý khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 5/9.
Trong ngày 24/8, theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, đã xét nghiệm RT-PCR 4.388 mẫu (1.703 mẫu đơn, 2.685 mẫu gộp) cho 29.415 người và test nhanh 4.031 mẫu (3.848 mẫu đơn, 183 gộp) cho 4.256 người. Kết quả khẳng định có 162 ca dương tính. Cụ thể, có 124 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung và 33 ca trong khu vực phong tỏa (giảm 7 ca so với ngày 23/8); 5 ca trong cộng đồng, phát hiện thông qua test sàng lọc.
Về đánh giá mức độ nguy cơ, số địa phương cấp xã dự báo “Nguy cơ rất cao”: 10 xã (giảm 2), Số địa phương cấp xã dự báo “Nguy cơ cao” 19 xã (giảm 5), Số địa phương cấp xã dự báo “Nguy cơ” 30 xã, Số địa phương cấp xã dự báo “Bình thường mới”: 84 xã (tăng 7).
Đến ngày 24/8, tổng số ca mắc COVID-19 là 6.273 ca. Số bệnh nhân COVOD-19 hiện đang điều trị: 2.368 ca, số trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ 2.171 ca, số trường hợp triệu chứng trung bình 84 ca, số trường hợp bệnh nặng: 78 ca. Số bệnh nhân xuất viện 128 ca trong ngày (tăng 12 ca so với ngày hôm qua), cộng dồn 3.780 ca. Trong ngày, số ca tử vong là 3 (tăng 1 ca so với ngày 23/8), cộng dồn 121 ca.
An Giang: Áp dụng Chỉ thị 16 cho 7 huyện, thành phố
Cũng trong chiều 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nguyễn Thanh Bình đã ký Công văn về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ 0h ngày 26/8 đến ngày 5/9, tỉnh sẽ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi 7 huyện, thành phố trong tỉnh gồm: TP Long Xuyên, TP Châu Đốc và các huyện: Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới và Thoại Sơn và áp dụng Chỉ thị 15 đối với các huyện: Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu các huyện, thị xã thực hiện theo Chỉ thị 15 căn cứ tình hình dịch bệnh thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện, thị xã thống nhất với cấp ủy chủ động ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, quy định về phòng, chống dịch theo nguyên tắc cao hơn, nhanh hơn, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND huyện, thị xã, thành phố cần rà soát lại các biện pháp phòng, chống dịch, điều chỉnh những giải pháp chưa hiệu quả, tăng cường các giải pháp phù hợp hơn trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tranh thủ “thời gian vàng” của giãn cách xã hội tiến hành xét nghiệm tầm soát, thần tốc truy vết, "bóc tách" F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị, ngắt nhanh nguồn lây. Thực hiện các giải pháp cấp bách để bảo vệ vững chắc "vùng xanh", xanh hóa "vùng vàng" “vùng cam” và thu hẹp "vùng đỏ".
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết, ngày 24/8, toàn tỉnh ghi nhận 50 ca nghi nhiễm COVID-19 , tất cả được kiểm soát. Tính từ ngày 15/4 đến nay, An Giang ghi nhận 1.538 ca mắc COVID-19 (4 ca tái dương tính), trong đó, 71 ca nhập cảnh, còn lại phát hiện trong tỉnh. Đã điều trị khỏi bệnh 493 ca, đang điều trị 1.032 ca và 2 trường hợp chuyển tuyến.
Đối với huyện Thoại Sơn và thị xã Tân Châu đã qua 20 ngày không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới.
Cà Mau: Chỉ được mua hàng hóa thiết yếu 3 ngày/lần
Chiều 24/8, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ra văn bản yêu cầu tất cả mọi người dân thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở đó”. Tạm dừng hoạt động đối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình kinh doanh ăn uống và hoạt động xây dựng không thật sự cần thiết trong tình hình hiện tại.
Cà Mau tăng cường biện pháp nhằm kiên quyết dập dịch COVID-19.
Người dân chỉ được phép ra đường mua hàng hóa thiết yếu 3 ngày đi 1 lần (trừ trường hợp khẩn cấp, bệnh tật, cấp cứu). Đối với các chợ, chỉ cho tiểu thương buôn bán lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng và bố trí khoảng cách 2m. Xung quanh khu vực chợ phải bố trí các chốt kiểm soát chặt chẽ người đi chợ.
Đối với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, ngân hàng, kho bạc, bưu chính, viễn thông, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm... được phép hoạt động, đơn vị bố trí không quá 30% tổng số người làm việc của đơn vị.
Trước đó, trong chiều 23/8, Chủ tịch UBND Cà Mau đã ký ban hành quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh từ 0h 24/8 cho đến khi có thông báo mới, do địa phương vừa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, trong ngày 24/8 tỉnh vừa ghi nhận thêm 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, đặc biệt có 7 ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện tại khu vực Hẻm 82/14, đường Nguyễn Thiện Năng, khóm 3, phường 4, TP Cà Mau. Và ngay sau đó, khu vực 7 ca nhiễm này đã được phong tỏa.
Bên cạnh các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn tỉnh, Hậu Giang và Sóc Trăng là 2 tỉnh quyết định dừng việc áp dụng Chỉ thị 16. Thay vào đó, tỉnh đã phân loại và thực hiện áp dụng chỉ thị 15 cho vùng có mức độ bình thường mới là “vùng xanh” và Chỉ thị 16 cho “vùng đỏ” (nguy cơ cao nhất).
End of content
Không có tin nào tiếp theo