Tin tức - Sự kiện

Xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm văn hoá du lịch đặc sắc

DNVN – Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh bảo tồn, cần xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các loại hình du lịch di sản văn hóa. Đặc biệt, Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm văn hóa không thể thiếu để phục vụ du khách khi đến Huế, là hoạt động văn hóa du lịch sôi nổi về đêm của Huế.

Thừa Thiên Huế có tân Phó Chủ tịch tỉnh / Thừa Thiên Huế: Khen thưởng học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, UBND TP. Huế, đơn vị nghệ thuật về dự thảo Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2020-2025”.

Một buổi biểu diễn nghệ thuật Ca Huế.

Một buổi biểu diễn nghệ thuật Ca Huế.

Theo Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô Huế, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của ca Huế đã được tỉnh triển khai, bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng. Ca Huế đang từng bước khẳng định giá trị trong đời sống văn hóa nghệ thuật và trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Tuy nhiên, để trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Huế, đáp ứng thị hiếu của người thưởng thức cũng như thị trường du lịch thì nghệ thuật Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ hình thức tổ chức, chất lượng nghệ thuật, phong cách biểu diễn, công tác quản lý dịch vụ, đảm bảo an toàn trên sông, quảng bá sản phẩm...

Dự thảo Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2020-2025” đã đưa ra 6 mục tiêu cụ thể, gồm: Nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật mẫu, đảm bảo tính đặc trưng của Ca Huế để phục vụ du khách, góp phần khẳng định thương hiệu Ca Huế; Nghiên cứu quy hoạch và hình thành các điểm, không gian biểu diễn, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương (bến thuyền, các dịch vụ hỗ trợ…).

Bên cạnh đó, cần xây dựng các công cụ, phương tiện hỗ trợ quảng bá hình ảnh Ca Huế, cũng như hình thành các sản phẩm văn hóa, các sản phẩm lưu niệm về nghệ thuật Ca Huế; Nâng cao chất lượng biểu diễn của các diễn viên, nhạc công, góp phần khẳng định giá trị di sản Ca Huế, đồng thời giới thiệu được nét văn hóa đặc sắc của địa phương; Tạo việc làm cho nghệ sĩ, diễn viên và người lao động; Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế gắn với phục vụ phát triển du lịch bền vững.

 

Về phát huy giá trị, xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, dự thảo cũng đưa ra 6 nội dung cụ thể, gồm: Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng; Xây dựng và phát triển không gian biểu diễn Ca Huế; Thiết lập, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm Ca Huế; Xây dựng các sản phẩm bổ trợ; Tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hình ảnh Ca Huế; Đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, đề án cũng đề cập về nguồn lực phát triển du lịch Ca Huế và các giải pháp thực hiện như giải pháp về nguồn lực, tuyên truyền quảng bá, liên kết phát triển, cơ chế chính sách phát triển đề án, kèm theo đó là các giải pháp về hạ tầng cùng các điều kiện để phát triển đề án.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, từ thực trạng và yêu cầu của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca Huế - sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Cố đô, cần thiết phải có Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2020-2025”, để không chỉ tôn vinh, bảo tồn mà còn để nâng tầm và phát huy có hiệu quả giá trị đặc trưng của Ca Huế gắn với xây dựng nghệ thuật Ca Huế là sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc.

Biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.

Biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.

 

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, cho biết, quan điểm của tỉnh về xây dựng Đề án lần này là bên cạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật Ca Huế cần phải tập trung xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các loại hình du lịch di sản văn hóa; đặc biệt là Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm văn hóa không thể thiếu để phục vụ khách du lịch khi đến Huế, là hoạt động văn hóa du lịch sôi nổi về đêm của Huế.

Để triển khai hiệu quả các nội dung trong Đề án, ông Bình yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao cần rà soát về lộ trình thực hiện, tham mưu đề xuất rõ đơn vị chủ trì thực hiện đối với từng lộ trình cũng như việc phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, về đào tạo nguồn nhân lực cần phải nghiên cứu mang tính lâu dài để kết hợp giữa đào tạo mới và bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật Ca Huế.

“Sở Văn hóa và Thể thao cần bám sát vào quan điểm của tỉnh và những ý kiến đề xuất, góp ý của các sở, ngành, đơn vị nghệ thuật, nhà nghiên cứu để hoàn chỉnh Đề án một cách cụ thể và hiệu quả khi triển khai thực hiện. Nhất là, phải đưa ra việc xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch như thế nào để không chỉ là sản phẩm đặc trưng của Huế mà còn phải hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách và thị trường hiện nay cũng như thời gian tới”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm