Phó Chủ tịch Đà Nẵng giải thích lý do “Không hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm đến các cơ sở y tế, khu vực phong tỏa, cách ly tập trung”
Đà Nẵng: Xây dựng ứng dụng hỗ trợ tra cứu thông tin dịch tễ của từng bệnh nhân Covid-19 / Vingroup tài trợ hóa chất gần 30 tỉ đồng thực hiện 50.000 xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2
Không có chuyện Đà Nẵng “chảnh” hay gây khó khăn
Như tin đã đưa, ngày 5/8, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã có Công văn 5212/UBND-VHXH đề nghị các tổ chức, cá nhân không hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm đến các cơ sở y tế và các khu vực phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung. Đồng thời yêu cầu các cơ sở cách ly tập trung, các khu vực và các cơ sở y tế phong tỏa không trực tiếp tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến sẵn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm theo kiểu tự phát sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh ATTP cho các cơ sở y tế, các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung (Ảnh: HC)
Sáng nay 7/8, Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Lê Trung Chinh qua điện thoại, mong muốn có thêm thông tin để giải thích rõ hơn nữa với công luận về lý do lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị các tổ chức, cá nhân không hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm; cũng như việc đáp ứng nhu cầu này của chính quyền TP đối với các cơ sở y tế và các khu vực phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung trong thời gian tới.Thưa ông, sau khi Công văn 5212/UBND-VHXH được UBND TP Đà Nẵng ban hành ngày 5/8, có một số ý kiến cho rằng Đà Nẵng “chảnh”, từ chối tiếp nhận hay gây khó khăn cho việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn… Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Ông Lê Trung Chinh: Hoàn toàn không có chuyện Đà Nẵng “chảnh”, từ chối tiếp nhận hay gây khó khăn cho việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn… như một số người nhầm tưởng, mà chủ trương nêu trên là nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở y tế và các khu vực phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung trong việc tiếp nhận sự hỗ trợ này.
Ngay từ đầu Công văn 5212/UBND-VHXH ngày 6/8, chúng tôi đã nêu rõ mục đích, yêu cầu là “tăng cường đảm bảo quy trình vệ sinh phòng, chống dịch Covid-19 trong công tác tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ”.
Vừa qua có một số báo chí phản ánh về việc không kiểm soát được việc tiếp nhận sự hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn… dẫn đến rất có nguy cơ về vệ sinh ATTP. Vì vậy, lãnh đạo TP Đà Nẵng giao các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ATTP, chứ không có nói là không cho hỗ trợ hay không cho tiếp nhận hỗ trợ!
Chúng tôi rất ủng hộ và rất mong nhận được thêm nhiều sự ủng hộ lương thực, thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn… của các tổ chức, cá nhân cho các cơ sở y tế, các khu vực phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung, nhưng việc hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ phải có đầu mối để kiểm soát.
Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì “chết hết trơn” luôn!
Xin ông nói rõ thêm về việc “phải có đầu mối để kiểm soát” là như thế nào? Thành phố đã giao cho đơn vị nào là đầu mối kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các cơ sở y tế, khu cách ly?
Tôi nói ví dụ, nếu tiếp nhận hỗ trợ nước uống, bánh trái… mà không kiểm tra hạn sử dụng thì rất nguy hiểm. Rủi có chuyện gì mà Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C xảy ra ngộ độc thực phẩm thì “chết”. Tôi nói với anh là “chết”, “chết hết trơn” luôn, không thể cứu được!
Thực hiện chỉ đạo mới của lãnh đạo TP Đà Nẵng, tất cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đều phải được lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ... (Ảnh: HC)
Cho nên việc ban hành Công văn 5212/UBND-VHXH ngày 6/8 là sự tăng cường công tác quản lý vệ sinh ATTP để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân chứ không có ý gì khác. Chẳng hạn, một cơ sở nào đó nấu ăn để hỗ trợ thức ăn chế biến sẵn thì giao cho BQL ATTP TP đến kiểm tra. Anh hỗ trợ thì đồng ý, nhưng tôi phải kiểm tra trước cái đã, chứ để tự phát thì khó lắm.
Anh nhớ hồi tháng 5/2020 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đối với người dân tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương và Hòa Nhơn thuộc huyện Hòa Vang làm cho 133 người phải nhập viện do thức ăn mua ở chợ Túy Loan không? Cho nên lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh ATTP chứ vấn đề ở đây không phải là “cho hay không cho” việc hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.
Chúng tôi hoàn toàn không phản đối mà ủng hộ tối đa việc hỗ trợ, nhưng phải có đầu mối, chứ như vừa rồi có báo chí phản ánh hàng hóa hỗ trợ “chất như núi” trên đường Ngô Gia Tự trước khu vực cách ly 3 bệnh viện thì đó là cái mà không kiểm soát hết được. Chẳng hạn như sữa chua, bánh bao, bánh mì… hạn sử dụng chỉ có mấy ngày, nếu không để ý mà đưa vô các bệnh viện thì nguy hiểm cực kỳ, bệnh nhân ăn vô mà bị ví (đuổi) như “thổ tả” thì thả tay hết”!
Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sức khỏe cho người dân
Vậy từ nay, việc tiếp nhận hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn… cho các các cơ sở cách ly tập trung, các khu vực và các cơ sở y tế phong tỏa sẽ được TP Đà Nẵng thực hiện như thế nào, thưa ông?
Vì những lý do như tôi đã nêu trên, tại Công văn 5212/UBND-VHXH ngày 6/8, UBND TP Đà Nẵng đã giao Ban quản lý ATTP TP phối hợp với Sở Y tế, Sở LĐ-TB-XH, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai ngay phương án kiểm tra, báo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, thức ăn chế biến sẵn tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung.
và trực tiếp đưa vào các cơ sở y tế, khu vực phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung (Ảnh: HC)
Tức là trong đó có giao cho Ban ATTP TP phối hợp với các Sở, ngành hữu quan và UBND các quận, huyện kiểm tra các bếp ăn, các chỗ cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến ăn liền… Chẳng hạn anh muốn ủng hộ 100 suất ăn cho bệnh viện, khu cách ly thì cần thông báo cho Ban quản lý khu cách ly đó để báo cáo UBND quận, huyện kiểm tra.
Nếu không kiểm tra mà cứ đưa vô nấu, ăn thì người dân, bệnh nhân có biết đâu, rủi có chuyện gì lại đổ lỗi chính quyền thiếu trách nhiệm. Nên mục tiêu cuối cùng của Công văn 5212/UBND-VHXH ngày 6/8 là đảm bảo sức khỏe cho người dân, bệnh nhân. Họ đã đau ốm rồi mà còn để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì không ai chấp nhận được, nhưng nếu mình lơ là việc quản lý, kiểm tra thì rất dễ xảy ra.
Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng đã có văn bản đề xuất UBND TP về việc triển khai ngay phương án kiểm tra, bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, thức ăn chế biến sẵn tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung; chúng tôi sẽ chỉ đạo Ban này làm cụ thể thêm.
Chúng tôi đi kiểm tra, thường xuyên yêu cầu anh em kiểm tra hạn sử dụng của lương thực, thực phẩm khi tiếp nhận; nhưng nếu các tổ chức, cá nhân cứ đem đến cho trực tiếp thì không cách nào có thể kiểm soát hết được.
Vì lý do đó, Thường trực Thành ủy đã có Công văn số 4525-CV/TU ngày 4/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP có Thông báo 17/TB-MTTQ-BTT ngày 2/8 về tăng cường đảm bảo quy trình vệ sinh phòng, chống dịch Covid-19 trong công tác tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ.
Chúng tôi rất mong báo chí chia sẻ việc này và thông tin rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân biết rõ thêm, để khi hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn… thì cần thông qua Ban quản lý ATP TP, UBND các quận, huyện kiểm tra, giám sát để đảm bảo vệ sinh ATTP cho các cơ sở y tế, các khu vực phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung!
Xin trân trọng cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo