Quốc tế

Toàn cảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-14 của Triều Tiên

(DNVN) - Triều Tiên khẳng định phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 sau hàng chục năm nghiên cứu thử nghiệm.

Thử thành công ICBM

Ngày 4/7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký quyết định tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Không chỉ ký quyết định cho phép tiến hành vụ phóng thử tên lửa mới nhất, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn trực tiếp tham gia giám sát vụ thử này cùng các tướng lĩnh cấp cao của quân đội.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký quyết định  tiến hành vụ phóng thử tên lửa.

Tên lửa Hwasong-14 đạt độ cao 2.802 km, bắn chính xác mục tiêu sau khi bay quãng đường 933 km trong 39 phút sau đó rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, đài truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết trong thông báo đặc biệt. 

Lý giải việc tên lửa Hwasong-14 chỉ bay được hơn 900 km sau khi đạt độ cao hơn 2.800 km, Bình Nhưỡng cho biết nước này thường bắn thử tên lửa đạn đạo ở góc khoảng 90 độ để tên lửa đạt độ cao tối đa và rơi xuống vùng biển Nhật Bản, nhằm tránh các hệ thống radar theo dõi của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, đồng thời không để tên lửa bay vào không phận các nước khác.

Sức mạnh Hwasong-14

Hwasong-14 có thể được ghép từ hai loại tên lửa khác nhau nhưng sử dụng loại động cơ tiên tiến do Triều Tiên tự phát triển, khiến quan chức quốc phòng Mỹ coi tên lửa này là loại vũ khí hoàn toàn mới.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên rời bệ phóng. 

Tình báo Mỹ cho biết trước khi Triều Tiên phóng tên lửa, vệ tinh do thám của họ đã phát hiện một tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17 đang được nạp nhiên liệu lỏng. Đây là lý do Mỹ và Hàn Quốc ban đầu tưởng rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng thử là tên lửa tầm trung, không phải ICBM.

 

Tuy nhiên, khi tên lửa được chở bằng xe tải ra bãi phóng, nó đã được gắn thêm một tầng đẩy thứ hai, giúp nó đạt tầm bay đủ tiêu chuẩn để xếp vào dạng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Chuyên gia David Wright thuộc tổ chức nghiên cứu UCS (Mỹ) nhận định tên lửa Bình Nhưỡng vừa phóng có thể đạt tầm bắn tối đa khoảng 6.700 km, đủ vươn tới mọi khu vực bang Alaska của Mỹ.

Tầng thứ hai của tên lửa có chu kỳ đốt độc lập 30 giây, giúp tên lửa có thể bay xa thêm, đạt tiêu chuẩn của một ICBM. Nhưng theo một quan chức quốc phòng Mỹ khác, họ đang đánh giá xem liệu khả năng quay trở lại khí quyển của tên lửa này có được kiểm soát hoàn toàn hay không. Để tấn công thành công mục tiêu, ICBM phải có khả năng quay trở lại khí quyển Trái Đất mà không bị nổ tung.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vui mừng khi vụ phóng tên lửa Hwasong-14 diễn ra thành công.

Theo giới chuyên gia, vụ phóng thành công tên lửa ngày 4/7 là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Triều Tiên đang tiến rất nhanh tới mục tiêu chế tạo một mẫu tên lửa ICBM hoàn chỉnh. Tên lửa Hwasong-14 phóng đi lần này có thể chưa vươn tới lục địa Mỹ và chưa có bằng chứng về việc Triều Tiên đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Tuy nhiên, những mục tiêu này giờ đây hoàn toàn nằm trong khả năng của Bình Nhưỡng.

Phản ứng - Đáp trả

Ngay sau vụ phóng tên lửa, hàng loạt các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Liên Hợp Quốc đã đồng loạt lên án động thái này của Triều Tiên.

 

Quân đội Mỹ - Hàn đã tiến hành một cuộc tập trận tên lửa đạn đạo quy mô lớn dọc bờ biển phía đông để "dằn mặt" Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trước đó. Cuộc tập trận huy động Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS của Lục quân Mỹ và tên lửa Hyunmoo II của Hàn Quốc. Các tên lửa đã được phóng xuống vùng biển ở phía Đông của Hàn Quốc.

Người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng reo hò khi theo dõi vụ phóng thử tên lửa Hwasong-14 qua màn hình lớn.

Cuộc tập trận bắn đạn thật được tổ chức theo yêu cầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. "Tổng thống Moon nói hành động khiêu khích nghiêm trọng của Triều Tiên đòi hỏi chúng ta phản ứng hơn là tuyên bố", Yonhap dẫn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay.

Tại cuộc hội đàm ở Moscow hôm 4/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng lên án cuộc thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là "không thể chấp nhận". Cả hai cùng nhất quán việc cần phải có một biện pháp nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm "chống lại những diễn biến gia tăng căng thẳng".

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ngay lập tức tiến hành phiên họp khẩn về vấn đề Triều Tiên. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và khẳng định việc Triều Tiên mới đây phóng tên lửa là sự vi phạm trắng trợn lần nữa các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và làm cho tình hình leo thang căng thẳng.

Các Đại sứ Mỹ, Anh và Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết mới có tính ràng buộc nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong khi đại diện của Nga và Trung Quốc phản đối việc tăng cường bao vây kinh tế đối với Bình Nhưỡng.

 

Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, các hành động gây mất ổn định của Triều Tiên đang khép lại khả năng áp dụng giải pháp ngoại giao và có thể buộc Mỹ phải hành động quân sự. 

"Việc Triều Tiên tăng cường gây bất ổn là mối đe dọa đối với tất cả các nước, kể cả trong và ngoài khu vực. Hành động của họ sẽ nhanh chóng đóng chặt cánh cửa ngoại giao. Mỹ đang chuản bị sử dụng tất cả các khả năng để bảo vệ chính mình và các quốc gia đồng minh. Một trong những khả năng của chúng tôi liên quan đến sức mạnh quân sự đáng kể của mình. Chúng tôi sẽ sử dụng chúng chúng tôi buộc phải tính đến", Đại sứ Haley cho biết tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an.

Nên đọc


 

 




 

Tùng Bách (theo Yonhap/CNN)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo