Tổng thống Dilma Rousseff sắp bị "hạ bệ" vì gian dối?
Tin tức trên báo VOV, trưa 11/5, Thượng viện Brazil đã bắt đầu phiên họp toàn thể để bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm chức vụ Tổng thống đối với bà Dilma Rousseff vì liên quan tới cáo buộc gian dối số liệu ngân sách quốc gia. Phiên thảo luận bắt đầu vào khoảng 13h theo giờ GMT (tức 20h theo giờ Việt Nam).
Dự kiến, 81 thượng nghị sỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu vào đêm 11 hoặc sáng sớm ngày 12/5 để có quyết định cuối cùng về việc đình chỉ chức Tổng thống của bà Rousseff và bắt đầu tiến trình luận tội nhà lãnh đạo này.
Theo luật định Brazil, chỉ cần 41 trong 81 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu phế truất, Tổng thống Dilma Rousseff buộc phải rời nhiệm sở trong vòng 6 tháng, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Termer, chấm dứt 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động. Tổng thống Termer sẽ làm nốt phần việc còn lại hai năm nhiệm kỳ của bà Rousseff cho tới ngày 31/12/2018.
Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros cho rằng quá trình luận tội bà Rousseff sẽ rất "lâu dài và gian khó" và không thể đưa ra kết quả sớm. Báo Vietamplus thông tin.
Trước đó, ngày 17/4, Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành luận tội Tổng thống Rousseff mặc dù người đứng đầu nhà nước không bị điều tra hay có bất cứ cáo buộc nào liên quan tới tham nhũng. Cho đến nay, bà Rousseff vẫn tuyên bố việc luận tội bà là vi hiến và là một vụ “soán ngôi.” Bà cũng tuyên bố sẽ "chiến đấu" chống lại việc luận tội đến phút cuối cùng.
Cụ thể, Tổng thống Rousseff bị cáo buộc vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính do đã “làm đẹp” các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 và đã sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội.
Lý giải việc này, bà Rousseff cho rằng từ trước tới nay, các tổng thống và các chính phủ trước đều áp dụng hình thức thống kê nói trên và bản thân bà không hề tư lợi từ những khoản tiền này. Bà Rousseff, nhậm chức nhiệm kỳ hai kéo dài 4 năm ngày 1/1/2015, tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền dân chủ.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Nền kinh tế Brazil đang trải qua suy thoái lớn nhất kể từ những năm 1930 và bê bối tham nhũng lớn nhất ở công ty dầu khí quốc doanh Petrobras. Có những lo ngại rằng, tình hình chính trị căng thẳng có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình trở thành bạo lực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo