TPP thúc đẩy đầu tư vào sợi, dệt, nhuộm
Mặc dù ẩn chứa không ít rủi ro, đặc biệt, quy định về nguyên tắc xuất xứ mà Mỹ đưa ra được xem là khó khăn với Việt Nam, song không thể phủ nhận, nếu dung hòa được các lợi ích trong đàm phán, TPP sẽ mở ra cơ hội lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Với các phân khúc sợi, dệt, nhuộm, điều này không chỉ thúc đẩy tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, giảm thuế, mà còn tạo động lực to lớn cho việc đầu tư phát triển.
Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nhận định, TPP sẽ là cơ hội rất lớn để ngành sợi, dệt và nhuộm Việt Nam nâng công suất. Tại những buổi tiếp xúc với Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, một số doanh nghiệp của Trung Quốc cho biết, họ đang tính đến khả năng mở rộng hoặc đầu tư mới vào ngành kéo sợi.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, vẫn có các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này được cấp phép. Cụ thể, Công ty TNHH Kyung Bang Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đã bỏ 40 triệu USD xây dựng giai đoạn 1 nhà máy sợi công suất 6.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bến Cát, Bình Dương).
Một số nhà đầu tư khác cũng đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công nhà máy tại Việt Nam, điển hình là Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (Hồng Kông) sẽ xây dựng một nhà máy sợi với vốn đầu tư 300 triệu USD tại Khu công nghiệp Hải Yên, (Móng Cái, Quang Ninh).
Hiện nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng liên doanh với Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) hoàn tất thủ tục đầu tư một nhà máy sợi công suất 5 vạn cọc, tổng mức đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định). Dự án này dự kiến được khởi công vào cuối năm nay.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt cho rằng, Việt Nam cần chủ động thu hút các doanh nghiệp FDI vào ngành dệt, thay vì ngồi chờ Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc tham gia TPP để đảm bảo nguyên tắc xuất xứ.
Những nhà máy dệt lớn hầu hết nằm ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, vì vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nâng kim ngạch xuất khẩu, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… dịch chuyển nhà máy sang.
Nghiên cứu của GS. Peter A.Petri (Đại học Brandeis - Mỹ) cho thấy, tham gia TPP, các nền kinh tế nhỏ hơn, như Chi Lê, Pê-ru và Việt Nam, có tỷ lệ tăng trưởng thu nhập lớn nhất. Cụ thể, GDP của Việt Nam có khả năng đạt 235 tỷ USD vào năm 2025.
“Riêng mặt hàng dệt may có khả năng đạt 28,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025”, GS. Peter A.Petri cho biết.
Tất nhiên, việc ngành dệt may được hưởng lợi như thế nào từ hiệp định này còn tuỳ thuộc vào sự đàm phán của phía Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước cần chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược tiếp cận thị trường các nước tham gia TPP, đặc biệt là Mỹ, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác với nước ngoài để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo