Hỗ trợ doanh nghiệp

Trăn trở với đầu tư công

Các chuyên gia kinh tế, những người luôn bày tỏ lo ngại về đầu tư công, một lần nữa cùng ngồi lại trong hội thảo “Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước”.

“Khoán trắng” đầu tư công cho địa phương

 

Trong bài trình bày của mình, Tiến sĩ Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhắc lại những hệ lụy của đầu tư công qua câu chuyện “đại công trường Hà Giang”.

 

Chỉ trong hơn năm năm, từ 1999-2005, tỉnh biên giới phía Bắc này đã triển khai 1.900 công trình xây dựng với tổng vốn đầu tư 3.308 tỉ đồng, trong khi ngân sách của tỉnh chỉ khoảng 230-250 tỉ đồng/năm. Hậu quả là nợ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Hà Giang đã vượt quá xa khả năng ngân sách của tỉnh, khiến trung ương phải cứu trợ.

 

Việt Nam đang có tới 63 nền kinh tế tỉnh thành và một nền kinh tế toàn quốc, tỉnh thành nào cũng phấn đấu trở thành những nền kinh tế công nghiệp - có các khu cụm công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường đại học cao đẳng, đài truyền hình và phát thanh riêng...

Ngoài ra, ông Lược tính toán, cả nước hiện có 440 trường đại học và cao đẳng, chỉ có tỉnh Gia Lai chưa có, còn lại bình quân mỗi tỉnh có bảy trường đại học và cao đẳng.

 

Việt Nam hiện có 267 khu công nghiệp (bình quân mỗi tỉnh thành có bốn khu công nghiệp); 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu với diện tích hàng triệu héc ta và không biết lấy vốn ở đâu để có thể sử dụng có hiệu quả hết số đất đai đó…

 

Riêng ông Lê Đăng Doanh đưa ra những con số: hiện nay Việt Nam đang xây dựng 20 cảng biển quốc tế, xây dựng và mở rộng 22 sân bay dân dụng trong đó có tám sân bay quốc tế…

 

“Điều đặc biệt đáng lo ngại là quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn trong khi các tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc pháp lý”, ông Doanh nhận xét.

 

Chuyên gia Vũ Đình Ánh của Bộ Tài chính trích báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, có tới 1.757 dự án trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và di dân tái định cư giai đoạn 2003-2010, có tổng mức đầu tư là 443.126 tỉ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ lên đến 424.781 tỉ đồng.

 

Vì sao đầu tư công có tình trạng như vậy?

 

Ông Lược viện dẫn Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các ngành và địa phương tự xét duyệt các dự án nhóm A (từ 200 tỉ đồng trở lên), nhóm B (từ 30-600 tỉ đồng) và nhóm C (từ 30 tỉ đồng trở xuống).

 

Trong đó, chỉ có một số rất ít dự án do Thủ tướng phê duyệt. Ông Lược nhận xét, nghị định trên hầu như đã “khoán trắng đầu tư công” cho các ngành và chính quyền địa phương.

 

Ông Lược tổng kết: “Các cơ quan trung ương dường như giám sát, kiểm tra chiếu lệ, mang tính hình thức, không có chế tài kỷ luật nghiêm ngặt.

 

Hệ quả là Việt Nam đang có tới 63 nền kinh tế tỉnh thành và một nền kinh tế toàn quốc, tỉnh thành nào cũng phấn đấu trở thành những nền kinh tế công nghiệp - có các khu cụm công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường đại học cao đẳng, đài truyền hình và phát thanh riêng...

 

Không thay đổi thể chế khó tái cấu trúc đầu tư công

 

Chuyên gia Vũ Tuấn Anh của Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mô hình phân cấp đầu tư được áp dụng từ năm 2006 tới nay là “phân cấp trắng”.

 

Nghĩa là, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ theo ngành và địa phương đã giảm tới mức không còn đảm bảo được sự cân đối giữa nhu cầu đầu tư và khả năng đáp ứng không chỉ về vốn mà còn nhiều mặt khác như nguyên vật liệu, công nghệ, nhân lực kỹ thuật.

 

Hệ quả là các dự án đã khởi công lâm vào tình trạng thiếu vốn triền miên, nhập siêu bùng nổ do nhập khẩu vật tư, thiết bị cho dự án, tình trạng đầu tư không đồng bộ, sử dụng công nghệ và thiết bị lạc hậu, các nhà thầu chậm tiến độ…

 

Còn ông Lê Đăng Doanh thẳng thừng phê phán đầu tư công như là một sản phẩm của cơ chế xin-cho, trong đó cả hai phía “xin” và “cho” đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm. Hệ quả là đầu tư công rất kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20-30%, công trình rất đắt (như đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương), chưa sử dụng đã hỏng, nhiều công trình không được sử dụng...

 

Ông Doanh nhận xét: “Rõ ràng sự kém hiệu quả của đầu tư công nằm ở quy hoạch, kế hoạch, quy trình quyết định đầu tư, tức là ở thể chế và bộ máy. Nếu không có thay đổi trong thể chế và bộ máy, rất khó có thể tái cấu trúc đầu tư công”.

 

Các bài viết của các chuyên gia cho hội thảo đều ghi nhận, đầu tư công đã đóng góp không nhỏ cho cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy vậy, hầu hết các ý kiến đều đồng tình cần phải tái cơ cấu đầu tư công của Chính phủ.

 

Ông Doanh nhìn nhận, đề án tái cấu trúc đầu tư công phải gắn liền với cải cách luật pháp, thể chế, cơ chế quản lý đầu tư theo hướng thực hiện công khai, minh bạch. Cần đặt quá trình đầu tư dưới chế độ trách nhiệm cá nhân của từng khâu trong quy trình thiết kế, xét duyệt, nghiệm thu.

 

Đầu tư công phải được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, tổ chức quần chúng có chuyên môn, báo chí và công luận. Bên cạnh đó, ông đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công.

 

Trong khi đó, ông Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng phải thay đổi thể chế đầu tư công theo hướng đảm bảo tính thống nhất của chiến lược phát triển quốc gia. Công tác quy hoạch dài hạn, mang tầm chiến lược phải được tập trung về trung ương, cơ chế phân quyền quyết định đầu tư phân tán hiện nay cũng cần thay đổi.


Ông Anh cho rằng, tỷ trọng đầu tư công ở mức 40% GDP hiện nay cần phải được giảm xuống mức 30% trong 5-10 năm tới, như cách đây 10 năm. Để thực hiện lộ trình này, Nhà nước cần giảm tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách, đã lên gần 30% GDP hiện nay.

 

Hơn nữa, Chính phủ nên thắt chặt chính sách tài khóa đang chịu thâm hụt lên tới ít nhất 10% nếu tính đủ các khoản chi từ vay trong và ngoài nước.

 

Những đánh giá của các chuyên gia kinh tế ở hội thảo này sẽ hỗ trợ cho đề án tái cơ cấu đầu tư công đang soạn thảo. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn hy vọng vào sự thay đổi căn bản trong đầu tư công sau thông điệp của Tổng bí thư hồi cuối năm ngoái.

 

Ông Doanh bình luận: “Phát biểu này là một bước đúc kết về đầu tư công và cần tổ chức thực hiện theo một lộ trình hợp lý

 

Phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về đầu tư công

Liên quan đến việc định hướng cho đầu tư công, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương III, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối. Khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường; cũng như tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có; kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, nợ xây dựng cơ bản lớn, gây lãng phí, thất thoát, và hiệu quả thấp”.

 

Theo TBDN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo