Tránh phụ thuộc vào thị trường lân cận: Doanh nghiệp chọn đường nào?
Trong một vài năm trở lại đây, người dân không quá xa lạ với việc một số mặt hàng nông sản của VN đang xuất khẩu “băng băng” sang thị trường Trung Quốc bỗng dưng một ngày lại bị rớt giá thảm hại, bán rẻ như cho, thậm chí còn bị đổ ra đường cho trâu, bò ăn bởi thị trường xuất khẩu truyền thống này có những thay đổi đột ngột.
Quay về nội địa hay chuyển hướng xuất khẩu
Trước tình trạng này, nhiều DN đang tìm mọi cách để giảm lệ thuộc. Cty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu là một ví dụ. - trước đây, DN này xuất khẩu 60 – 70% lượng hàng hóa của mình sang thị trường lân cận nhưng hiện nay họ đang chuyển hướng đến những thị trường ổn định và cao cấp hơn như EU, Mỹ, Nhật…
Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi các DN phải có lộ trình rõ ràng, đầu tư không ít vào công nghệ, máy móc, nhân lực... và thực tế không phải DN nào cũng thành công. Đây cũng chính là vấn đề của một DN chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản trong chương trình Chìa khóa thành công - CEO phát sóng trên VTV1 vào 10h sáng Chủ nhật, ngày 4/1/2015.
DN này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do từ trước đến nay chủ yếu xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước lân cận. Tuy nhiên, gần đây do thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều đối thủ nước ngoài mới xuất hiện, các chính sách thay đổi nên sản phẩm của DN xuất sang các thị trường này bị sụt giảm mạnh và mất khả năng cạnh tranh. Trước tình hình đó các cổ đông của DN muốn CEO tập trung mọi nguồn lực để quay trở về thị trường nội địa vì dù sao đây cũng là sân nhà nên sẽ ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, CEO lại đề xuất tiếp tục bám theo chiến lược từ đầu là đầu tư vào hàng nông sản để xuất khẩu. Đồng thời, CEO đề nghị các cổ đông đầu tư thêm vốn để đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu và tìm cơ hội phát triển và mở rộng sang các thị trường khác. Điều này đã gây ra những xung đột gay gắt trong quan điểm của hai bên. Hai cổ đông kiên quyết “quay về thị trường nội địa bởi lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu đến thời điểm này không còn nữa. Nếu mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới sẽ tốn kém nhiều nguồn lực mà chưa chắc đã thành công bởi đòi hỏi của những thị trường này vô cùng gắt gao. Để đáp ứng DN phải có nguồn tài chính lớn mà điều này là bất khả thi trong thời điểm hiện tại”.
Nhiều quan điểm trái chiều
Không đồng tình với quan điểm này, CEO cho rằng: “Trong suốt 10 năm qua toàn bộ nguồn lực của DN đã dành cho xuất khẩu, bây giờ rời bỏ thị trường để quay về nội địa DN sẽ phải làm lại từ đầu trong khi không có kinh nghiệm và lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ đi trước thì chắc chắn sẽ thất bại. Giải pháp tốt nhất cho DN lúc này là mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu các thị trường mới như EU, Mỹ, Nga… rồi dần dần chuyển hướng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào một thị trường như trước kia”. Mặc dù đưa ra nhiều lý lẽ như vậy nhưng CEO vẫn chưa thể thuyết phục được hai cổ đông. Họ vẫn muốn quay về thị trường nội địa bởi “Dù làm theo cách nào DN cũng phải bắt đầu lại nhưng so với việc tìm hiểu các thị trường nước ngoài thì tìm hiểu thị trường trong nước sẽ nhanh và thuận lợi hơn nhiều. Hơn nữa làm xuất khẩu bị chịu tác động rất lớn từ các yếu tố khách quan dẫn đến DN không thể làm chủ được và chịu nhiều rủi ro”.
Cuộc tranh luận giữa CEO và các cổ đông diễn rất gay gắt, quyết liệt và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo ý kiến của bạn Thùy Linh: “Tôi đồng tình với ý kiến của CEO. Thị trường xuất khẩu mới là bước đi lâu dài và chắc chắn cho DN” hay bạn Thai Huu Truong: “DN từ khi thành lập đã làm về xuất khẩu thì nên tiếp tục. Nếu bây giờ rời bỏ thị trường cũng đồng nghĩa với việc bị thua cuộc và không còn cơ hội quay trở lại”. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đồng tình với cổ đông như bạn Tran Khoa Anh: “Tôi ủng hộ cổ đông vì quay về thị trường nội địa dù sao cũng có rất nhiều lợi thế trong việc am hiểu thị trường. Không quay về bây giờ để 3 -5 năm nữa lại càng khó hơn”. Những ý kiến trái chiều này càng làm cho ý nghĩa của chương trình được nhân rộng hơn trong cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo